Trong các thành phần máu tiếp nhận từ người hiến máu, từ máu toàn phần được tách ra thành hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương. Từ huyết tương đó, ngành y sẽ tách ra thành chế phẩm khác.
Những đơn vị máu được lấy từ người hiến máu tình nguyện. (Ảnh: Vietnam+) |
Gần đây, có thông tin về việc xuất khẩu huyết tương, máu ra nước ngoài. Nhiều người dân băn khoăn về sự việc bởi trên các phương tiện truyền thông vẫn kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện trước bối cảnh thiếu trầm trọng nguồn máu dự trữ cho các bệnh viện.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chất lượng máu đạt tiêu chuẩn châu Âu
- Vừa qua, có thông tin phát ra từ Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, Việt Nam có thể xuất khẩu huyết tương đi nước ngoài. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh: Trung tâm máu hay Ngân hàng máu có thể coi như là một nhà máy sản xuất thuốc, đặc biệt về lĩnh vực máu đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn các nhà máy sản xuất thuốc khác.
Các trung tâm máu, bên cạnh tiêu chí chất lượng, tất cả các phòng xét nghiệm, cơ sở sản xuất đã đạt được thì một trong những tiêu chuẩn sẽ phải đạt được đó là GMP của châu Âu. Bệnh viện Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là cơ sở đầu tiên được đầu tư đạt chuẩn này.
Việc đạt chuẩn GMP đồng nghĩa với việc các quy trình để điều chế ra một đơn vị máu đạt được tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, đây là điều quan trọng nhất. Tất cả các ngân hàng máu ở trong nước sẽ phải đạt được điều đó, như đạt được một số chỉ số ISO khác.
Sau khi đạt tất cả các ISO sẽ đạt được GMP và phải có những hội đồng thẩm định chặt chẽ để thực hiện vấn đề này.
- Huyết tương là một thành phần trong máu như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh: Trong các thành phần máu chúng ta tiếp nhận từ người hiến, từ máu toàn phần được tách ra thành hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương. Từ huyết tương, chúng ta tách ra thành chế phẩm khác để truyền cho bệnh nhân Hemophilia (bệnh máu khó đông).
Hồng cầu được dùng cho rất nhiều bệnh nên lúc nào cũng thiếu, vì rất nhiều bệnh và người bệnh cần truyền hồng cầu. Trong khi đó, huyết tương chỉ sử dụng cho một số bệnh, như xơ gan, chảy máu, nên số lượng người sử dụng huyết tương thấp hơn so với sử dụng hồng cầu.
Vì huyết tương được sử dụng ít hơn nhưng nó có thời gian bảo quản rất lâu, tới 2 năm, nên khả năng không sử dụng hết lượng huyết tương đã điều chế ra rất cao.
Để giải quyết vấn đề này, ở nước ngoài người ta đã xây dựng ra các nhà máy sản xuất ra các chế phẩm từ huyết tương đó. Các chế phẩm đó hiện nay đang được sử dụng tại Việt Nam. Chẳng hạn như Albumin – một thành phần của đạm trong máu; Gammaglobulin là kháng thể mà những người bị nhiễm trùng nặng hay được chỉ định tiêm, hoặc những cháu bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh cần truyền…
Các chế phẩm huyết tương hiện nay ở Việt Nam đang phải nhập khẩu với chi phí rất cao.
Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. (Ảnh: /Vietnam+) |
Hàng chục triệu USD nhập chế phẩm huyết tương
- Xin ông nói rõ hơn về chi phí của những chế phẩm huyết tương được nhập khẩu...?
Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh: Đơn giản như một chế phẩm của huyết tương chúng ta nhập về hiện nay giá từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/lọ (1 lọ 250 đơn vị). Trong khi đó, một bệnh nhân điều trị dự phòng phải dùng loại chế phẩm này 1 tuần 3 lần, phải tiêm ít nhất 3 lọ.
Chưa kể đến chế phẩm Abumin, những người bị suy dinh dưỡng, bị xơ gan, rối loạn chuyển hóa protein hoặc các bé bị suy giảm miễn dịch, bị nhiễm trùng nặng rất cần truyền.
Bởi vậy nên lượng chế phẩm huyết tương đang nhập mỗi năm có thể lên tới hàng chục triệu USD. Để giải quyết câu chuyện này, lúc nào chúng ta không dùng hết loại huyết tương đó thì sẽ gửi ra nước ngoài để thuê họ sản xuất, vì trong nước chưa có nhà máy.
Đầu tư cho một nhà máy sản xuất huyết tương với kinh phí rất lớn, có thể lên tới hàng chục triệu USD. Ngoài ra, công suất của nhà máy đòi hỏi phải có một số lượng huyết tương rất nhiều mới chạy được quanh năm. Chúng ta không thể đầu tư một nhà máy, sau đó chạy được một tháng hết huyết tương, không làm gì nữa thì rất lãng phí.
Bởi vậy, ở nhiều nơi như Singrapore, Đài Loan, Hongkong cũng thuê nước ngoài gia công. Họ gửi huyết tương ra nước ngoài điều chế ra các chế phẩm và sau đó chuyển lại.
Thậm chí có những nơi sau khi nhận huyết tương, họ sẽ điều chế ra các chế phẩm sau đó chuyển cho một công ty tại Việt Nam để dùng cho người bệnh trong nước. Khi làm được như vậy thì chi phí giảm rất nhiều so với chi phí nhập khẩu...
Tại sao xuất khẩu huyết tương?
- Vậy, Viện trưởng có thể giải thích rõ hơn về những thông tin trong câu chuyện xuất khẩu huyết tương?
Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh: Câu chuyện ở đây là chúng ta không xây được nhà máy sản xuất huyết tương, vì vậy phải thuê gia công. Trong khi đó, để thuê nước ngoài gia công được, chúng ta phải đạt được các tiêu chuẩn chất lượng do nhà máy sản xuất đó họ yêu cầu.
Vì vậy, câu chuyện ở đây là chúng ta sau khi đạt được GMP không những nâng cao chất lượng mà còn đạt chuẩn cho phép nhà máy ở châu Âu nhận huyết tương để gia công các chế phẩm, rồi sau đó chuyển về trong nước.
Thực tế, không có nước nào muốn dùng huyết tương của nước khác để điều chế ra xong dùng cho bệnh nhân của họ. Bởi vì ngay kể cả các biện pháp sàng lọc tốt nhất hiện nay, kể cả trong quá trình sản xuất (có công đoạn tẩy rửa) cũng không thể khẳng định được 100% không còn các bệnh lây truyền qua đường truyền máu.
Vì vậy, giải pháp tốt nhất là nhà máy trung gian sẽ gia công cho các nước sau đó họ mang về và dùng trong nước, không phải nhập khẩu nữa mà vẫn tận dụng được.
Ở đây nói từ xuất khẩu không phù hợp lắm, cụ thể là xuất ra nước ngoài để họ làm cho mình, sau đó mình nhập về. Vấn đề ở đây là câu chuyện nói ý đầu mà không nói ý sau, nên mọi người hiểu lầm tại sao máu thì đang thiếu lại đi xuất khẩu rồi hiến máu tình nguyện giờ lại mang đi bán. Đây không phải bán, kể cả bây giờ trong nước có một đơn vị nào đó đứng ra bỏ tiền xây dựng nhà máy thì chúng tôi cũng sẽ chuyển huyết tương cho họ.
Huyết tương điều chế thành chế phẩm dùng được trong 2 năm, trong tương lai chúng ta sẽ phải tiến tới câu chuyện đó nhưng phải đạt được theo tiêu chuẩn chất lượng của các nhà máy đó, nếu không sẽ không làm được.
Như Thái Lan, số lượng máu thu được hàng năm của họ không phải là nhiều nhưng Chính phủ, Hội chữ thập đỏ của họ đầu tư một nhà máy sản xuất với công suất nhỏ, sản xuất bằng nguồn huyết tương ở trong nước và ra các chế phẩm dùng cho người Thái Lan.
Viện huyết học-Truyền máu Trung ương cũng hướng tới đang tìm kiếm một công ty hoặc đơn vị nào đứng ra đầu tư cho nhà máy đó...
- Xin cảm ơn ông.
Theo vietnamplus