Đề phòng đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em

.

Mùa hè là thời điểm trẻ em tham gia các hoạt động dã ngoại, du lịch, vui chơi cùng bạn bè, người thân. Nhân viên y tế, cứu hộ khuyến cáo người dân cần có các biện pháp đề phòng các vụ tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ có thể xảy ra.

Người lớn nên để mắt thường xuyên tới trẻ khi đi tắm biển để tránh những nguy cơ trẻ bị đuối nước, hoảng loạn và tai nạn.
Người lớn nên để mắt thường xuyên tới trẻ khi đi tắm biển để tránh những nguy cơ trẻ bị đuối nước, hoảng loạn và tai nạn.

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vừa tiếp nhận cháu Lê Hoài K. (8 tuổi, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bị đuối nước được người nhà chuyển ra trong tình trạng hôn mê. K. theo anh chị đi tắm hồ và không may sảy chân. Tuy được cứu kịp thời nhưng do K. sặc nước và tinh thần hoảng loạn nên người nhà chuyển gấp ra Đà Nẵng điều trị. Sau gần 1 tuần nhập viện, sức khỏe K. đã ổn định trở lại nhưng tinh thần vẫn còn lo lắng.

Các bác sĩ điều trị chia sẻ, đó là những sang chấn tâm lý sau khi K. gặp nạn, việc điều trị dứt điểm phải cần có thời gian. Theo bác sĩ Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, mùa hè là thời điểm bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị đuối nước, bỏng, hóc dị vật, côn trùng cắn. Việc điều trị cho các cháu phụ thuộc vào mức độ của các vụ tai nạn và thời điểm các cháu được người thân chuyển vào bệnh viện sớm hay muộn.

Trong khi đó, thời tiết nắng nóng trong những ngày qua khiến người dân, du khách đổ dồn về các bãi biển để giải nhiệt. Cuối ngày, hàng ngàn trẻ em theo người lớn đến các bãi tắm trên đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa để chơi đùa, tắm biển.

Chiều 21-5, trong lúc đang đi tắm biển tại bãi tắm số 1 (đường Hoàng Sa), chị Nguyễn Xuân Huệ (trú quận Thanh Khê) tá hỏa cầu cứu lực lượng chức năng tại bãi biển khi con trai chị - cháu Trần Văn Q. (5 tuổi) - bị lạc giữa “biển người”. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ, trật tự (Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch) làm nhiệm vụ tại bãi biển đã phát thông báo trên loa phát thanh đồng thời tỏa ra các hướng để phối hợp tìm kiếm.  

Theo anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận và tổ chức tìm kiếm hàng chục trẻ em đi lạc tại bãi biển. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đuối nước, đặc biệt khi trẻ ở trong trạng thái hoảng loạn. “Ngoài ra, trẻ vui chơi, chạy nhảy hoặc đi du lịch nhiều nơi trong thời tiết nắng nóng khi ra biển thì chạy ào xuống nước nên đã xảy ra nhiều trường hợp bị sốc nhiệt và buộc phải nhờ nhân viên y tế can thiệp, hỗ trợ”, anh Vinh chia sẻ.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi đi chơi, tắm biển, lực lượng cứu hộ tại bãi biển Đà Nẵng khuyến cáo người dân nên trang bị áo phao đầy đủ cho con em, không tự ý tắm những khu vực có biển cảnh báo nguy hiểm đồng thời phải thường xuyên để mắt đến trẻ để tránh tình trạng thất lạc, tai nạn thương tích trên bãi biển.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Võ Hữu Hội chia sẻ thêm, trong số những tai nạn mà trẻ thường gặp vào mùa hè thì ngạt nước và đuối nước là hiện tượng thường gặp nhất. “Nhiều trường hợp dù được cứu sống nhưng cũng để lại di chứng hết sức nặng nề do não bị tổn thương. Vì thế, trong trường hợp xảy ra sự cố, chúng ta cần hết sức bình tĩnh và phải biết cách sơ, cấp cứu đúng cách.

Nếu trẻ bị ngạt nước, tuyệt đối không được dốc ngược lên khiến trẻ có nguy cơ bị sặc đường thở hoặc tổn thương não, cột sống. Nếu ngưng tim, ngưng đường thở thì cần tận dụng thời gian vàng cấp cứu tại hiện trường trước khi được chuyển đến bệnh viện. Và cách phòng chống hiệu quả nhất hiện nay đó chính là cho con, em mình học bơi đúng độ tuổi”, bác sĩ Hội cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.