Giảm phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV

.

Sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV khiến họ giấu bệnh và dẫn đến nguy cơ lây lan căn bệnh này trong cộng đồng. Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh truyền thông để mọi người hiểu rằng HIV/AIDS không lây qua con đường tiếp xúc thông thường.

Giảm kỳ thị với người có HIV giúp họ thêm niềm tin để tiếp tục sống, điều trị bệnh.  Trong ảnh: Bác sĩ ở Cơ sở điều trị Methadone số 1 (quận Thanh Khê) đang lưu thông tin để hỗ trợ người bệnh.
Giảm kỳ thị với người có HIV giúp họ thêm niềm tin để tiếp tục sống, điều trị bệnh. Trong ảnh: Bác sĩ ở Cơ sở điều trị Methadone số 1 (quận Thanh Khê) đang lưu thông tin để hỗ trợ người bệnh.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, năm 2018, Đà Nẵng phát hiện 210 ca nhiễm HIV mới, trong đó chỉ có 52% trường hợp có địa chỉ rõ ràng và đang sinh sống tại địa phương. Như vậy số người phát hiện nhiễm mới HIV trong năm chỉ quản lý được chiếm trên 50%, số còn lại không xác minh được. Và đây chính là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do họ không được tiếp cận tư vấn các dịch vụ dự phòng, cũng như không được tiếp cận các dịch vụ điều trị thuốc kháng virus ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ và giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.

Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, qua xét nghiệm sàng lọc hơn 11.000 mẫu máu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát hiện có 83 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó có hơn 20 trường hợp mất dấu, không có địa chỉ rõ ràng.

Anh N.V.M (35 tuổi, hiện ở trọ phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cho biết, anh cùng vợ con phải dắt nhau ra Đà Nẵng để kiếm việc làm vì ở quê không xin được việc. “Tui phải giấu bệnh thì mới xin được chỗ học cho mấy đứa nhỏ, chứ họ biết bố nó bị nhiễm HIV họ không nhận vô học. Họ mà biết tui bệnh thì cũng không nhận vào làm công nhân”, anh M. bộc bạch.

Y sĩ Trần Quốc Toản, cán bộ y tế ở Cơ sở điều trị Methadone số 1 (quận Thanh Khê), thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, hiện nay tình trạng kỳ thị người bị nhiễm HIV vẫn còn dẫn đến có người nhiễm HIV ngại bộc lộ danh tính, kể cả với người thân. Tháng 1-2017, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế với 7 nội dung và yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn ngành thực hiện. Để chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã xác định công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho rằng, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong gia đình, cộng đồng, cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Bởi vậy, thời gian qua, đơn vị đã duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động 4 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng gồm: nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm sau cai nghiện, nhóm mại dâm đường phố và nhóm tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí với 45 đồng đẳng viên; đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng sống của các trẻ nhiễm HIV; tổ chức các hoạt động cho trẻ nhiễm HIV; tổ chức gặp mặt người nhiễm HIV nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã duy trì và bảo đảm chất lượng hoạt động của các phòng tư vấn xét nghiệm HIV; tiếp tục mở rộng đối tượng triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng dân cư nhằm giúp người dân sớm phát hiện tình trạng nhiễm HIV, góp phần thực hiện mục tiêu 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình vào năm 2020.

“Sự phân biệt đối xử đối với những người có HIV sẽ khiến họ không thể hòa nhập cộng đồng dẫn đến thất nghiệp hoặc phải thay đổi công việc thường xuyên, gia tăng tệ nạn xã hội… Bởi vậy, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông và huy động cộng đồng bằng sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể. Chỉ có sự đối xử bình thường, bao dung với người bị nhiễm HIV mới giúp họ có thêm niềm tin vào bản thân, gia đình, cộng đồng để tiếp tục sống, điều trị bệnh và trở thành người có ích”, bác sĩ Chung nói.

Bài và ảnh: Lê Mận

;
;
.
.
.
.
.