Thuốc Methadone được dùng để điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng đường uống, giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS do tiêm chích ma túy. Thời gian qua, nhờ những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, hàng trăm người nghiện đã được điều trị thường xuyên bằng thuốc Methadone.
Tuân thủ uống Methadone giúp người nghiện dần tránh xa ma túy. TRONG ẢNH: Người nghiện ma túy uống Methadone tại cơ sở điều trị Methadone số 1. |
Một buổi sáng cuối tháng 7, tại cơ sở điều trị Methadone số 1 (quận Thanh Khê), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, hàng chục người nghiện đến khám và uống thuốc. Ngồi chờ khám, anh N.A. (39 tuổi, trú quận Thanh Khê) khá ngần ngại khi tôi hỏi chuyện nhưng khi biết tôi cũng dẫn người nhà đến khám, anh mới thổ lộ là đến đây lần đầu. “Tôi nghiện gần 10 năm rồi. Làm thợ nề không đủ hút chích. Bây giờ tôi quyết tâm dùng thuốc Methadone để không dùng ma túy nữa”, anh A. bộc bạch.
Uống thuốc Methadone gần 9 năm nay tại cơ sở điều trị Methadone số 1, nhờ tuân thủ việc uống thuốc điều trị, anh N.Q.L (43 tuổi, ở phường Tân Chính, quận Thanh Khê) không tái nghiện. Các y, bác sĩ ở đây cho biết, khi mới đến điều trị, anh L. ốm yếu và chưa có việc làm nhưng bây giờ sau nhiều năm tuân thủ tốt việc uống Methadone, sức khỏe tốt lên, anh đã học nghề và xin được công việc lái xe cho một hãng du lịch tại Đà Nẵng. “Ngày trước, lúc nghiện nặng, có khi tôi chích đến 4 lần/ngày. Bây giờ nghĩ lại sợ thật và cũng may là mình chưa bị nhiễm HIV và sớm điều trị bằng Methadone”, anh L. chia sẻ. Bây giờ anh đã có một gia đình ổn định với vợ cùng hai đứa con xinh xắn, khỏe mạnh.
Bác sĩ Huỳnh Văn Chi, phụ trách cơ sở điều trị Methadone số 1 cho biết, thực tế để vận động các bệnh nhân ngày nào cũng đến uống thuốc là điều không hề dễ dàng mà là cả quá trình nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây. “Có từ 30-40% người nghiện đến đây điều trị có vấn đề về tâm lý. Vì vậy, chúng tôi vừa điều trị vừa giúp họ quên đi những mặc cảm”, bác sĩ Chi nói.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, 6 tháng đầu năm 2019, 2 cơ sở điều trị Methadone thuộc đơn vị (cơ sở 1 ở số 91 đường Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê và cơ sở 2 ở 163 Hải Phòng, quận Hải Châu) đã tiếp nhận điều trị mới 14 bệnh nhân, ngừng điều trị 19 bệnh nhân và duy trì điều trị cho 321 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân tham gia điều trị tại 2 cơ sở điều trị Methadone thực hiện tuân thủ điều trị. Công tác cấp phát và quản lý thuốc Methadone tại 2 cơ sở điều trị được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Số lượt bệnh nhân bỏ điều trị tạm thời không nhiều, phần lớn có lý do.
Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, việc điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Methadone giúp làm giảm sự thèm muốn các chất dạng thuốc phiện; đồng thời, không gây hiện tượng dung nạp nên khi đạt được tới liều ổn định, Methadone không gây tăng liều trong suốt quá trình điều trị. Kết quả mà Methadone mang lại là người nghiện giảm đến chấm dứt việc sử dụng ma túy, giảm dùng chung bơm kim tiêm, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Chung, hiện nay, chương trình Methadone gặp một số khó khăn như: một số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone chưa có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không ổn định nên ảnh hưởng nhiều đến tuân thủ điều trị. Việc quản lý một số bệnh nhân gặp khó khăn do bệnh nhân ở một nơi, hộ khẩu một nơi, dùng thuốc một nơi. Ngoài ra, một số bệnh nhân ngoại tỉnh chuyển đến uống tạm thời kéo dài nhiều ngày gây khó khăn trong quản lý, chuyển gửi bệnh nhân theo quy trình điều trị như: xét nghiệm máu, nước tiểu định kỳ và dự trù thuốc Methadone...
Bác sĩ Chung cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghiện chích ma túy tham gia chương trình điều trị Methadone; duy trì hoạt động hiệu quả và nâng cao chất lượng chương trình tại các cơ sở điều trị; tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng và các địa phương trong việc quản lý bệnh nhân tham gia chương trình điều trị Methadone, bảo đảm 80% bệnh nhân tuân thủ điều trị.
Bài và ảnh: LÊ MẬN