Trên địa bàn quận Thanh Khê hiện có 11 chợ, gồm 1 chợ hạng 2 và 10 chợ hạng 3. Việc xây dựng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt từ nhiều năm nay, trên cơ sở nắm bắt, đón đầu những chủ trương từ thành phố.
Quận Thanh Khê chi nhiều tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp các chợ. TRONG ẢNH: Chợ Tân Lập (phường Vĩnh Trung) đang được đầu tư. |
Các chợ trên địa bàn quận Thanh Khê đều được hình thành, phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân địa phương. Thực tế này kết hợp với thói quen kinh doanh nhỏ lẻ của tiểu thương đã làm nảy sinh một số vấn đề trong tình hình mới, nổi bật nhất là ATTP. Từ năm 2016, quận Thanh Khê bắt đầu các kế hoạch triển khai xây dựng chợ ATTP.
Trên cơ sở đối chiếu các tiêu chí, tiêu chuẩn do Sở Công thương ban hành, địa phương tập trung đầu tư chợ hạng 2-chợ Phú Lộc, đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm cũng như tương xứng với vai trò, vị trí của chợ. Đến năm 2017, chợ Phú Lộc được công bố bảo đảm ATTP theo các tiêu chuẩn của Sở Công thương. Đây là tiền đề để xây dựng một số chợ khác như Thanh Khê 1 (phường Hòa Khê), Quán Hộ (Thanh Khê Tây), Tam Thuận (phường Tam Thuận) bảo đảm các tiêu chí về ATTP vào các năm tiếp theo.
Theo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, bước ngoặt trong công tác bảo đảm ATTP tại các chợ là khi địa phương bắt tay thực hiện Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 21-11-2018 của UBND thành phố Đà Nẵng về bộ tiêu chí chợ bảo đảm ATTP.
Từ năm 2019, 2 chợ Tân Chính (phường Tân Chính) và Tân Lập (phường Vĩnh Trung) được đầu tư trên cơ sở đối chiếu và đáp ứng bộ tiêu chí mới về ATTP do thành phố ban hành. Bên cạnh đó, các chợ từng được công nhận bảo đảm ATTP theo tiêu chí của Sở Công thương trước đây cũng được đầu tư thêm trên cơ sở phù hợp với bộ tiêu chuẩn mới.
Theo ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê, tổng kinh phí đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa các chợ trên địa bàn quận từ năm 2016 đến nay là hơn 21,2 tỷ đồng. Một số chợ được quan tâm đầu tư trong việc đáp ứng các tiêu chí về ATTP như chợ Tân An (phường An Khê) 5,5 tỷ đồng, Thanh Khê 1 hơn 2 tỷ đồng, Quán Hộ 2,3 tỷ đồng, Phú Lộc 2,2 tỷ đồng…
“Việc đầu tiên khi triển khai đầu tư, nâng cấp chợ bảo đảm ATTP là cải tạo, làm lại hệ thống cơ sở hạ tầng như nền chợ, hệ thống thoát nước, sắp xếp lại các quầy hàng cho phù hợp. Điều thuận lợi nhất đó chính là sự đồng thuận của các tiểu thương trong việc thực hiện chủ trương. Thông qua việc xã hội hóa, các hạng mục gắn liền với hoạt động buôn bán của tiểu thương như quầy sạp, trang phục, dụng cụ, bảo hộ… đều được thay mới nhằm đáp ứng được các tiêu chí đưa ra”, ông Tú cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, quận Thanh Khê đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp 6/11 chợ bảo đảm ATTP theo tiêu chuẩn của thành phố ban hành. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đặc biệt là việc đáp ứng các tiêu chí vừa mới ban hành.
“Các chợ đều được xây dựng đã lâu, việc đầu tư đều chủ yếu nâng cấp trên nền chợ cũ nên một số tiêu chuẩn chắc chắn không thể đáp ứng được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị, việc xây dựng chợ bảo đảm ATTP là rất cần thiết nhưng nên xem xét, cân đối dựa trên điều kiện thực tế của từng chợ”, ông Tú cho biết thêm.
Được biết, hằng năm UBND quận Thanh Khê đều bố trí nguồn kinh phí để duy trì mục tiêu chợ bảo đảm ATTP. Theo đó, một số hạng mục đã xuống cấp, không còn đáp ứng, địa phương sẽ kiểm tra, đầu tư mới trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí nhằm bảo đảm mục tiêu chợ ATTP được xuyên suốt.
Theo ông Nguyễn Tứ, Phó Ban quản lý (BQL) ATTP thành phố, bộ tiêu chí về chợ bảo đảm ATTP được đánh giá là kế hoạch trọng điểm của đơn vị nhằm thay đổi hoàn toàn nhận thức về môi trường kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các chợ truyền thống hiện nay.
Năm 2019, mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đăng ký xây dựng một chợ bảo đảm ATTP theo bộ tiêu chí được ban hành tại Quyết định 5556. Đến thời điểm hiện tại, BQL ATTP đang kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng bộ tiêu chí này tại các chợ đã đăng ký bảo đảm ATTP trong năm 2019. Theo ông Tứ, đây là những tiêu chí rất nghiêm ngặt, do vậy để công nhận chợ bảo đảm ATTP, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND các quận, huyện, các phòng chức năng và vai trò trực tiếp của BQL các chợ.
PHAN CHUNG