Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Việc xử lý các hành vi gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định rõ tại các Điều 214, 215 và 216 Bộ luật Hình sự 2015. Mới đây, tại Đà Nẵng, Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao và BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH liên quan vấn đề này, với sự tham gia của các đơn vị liên quan và trực thuộc.

Theo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN mặc dù diễn ra ngày càng phức tạp và xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước nhưng việc xử phạt, khởi kiện các đơn vị nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên trong thực tế số đơn vị vi phạm nhiều nhưng số vụ việc được xử lý còn ít và chậm trễ. Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, ngành BHXH đã áp dụng các giải pháp như cử cán bộ chuyên quản theo dõi, đôn đốc việc đóng và trả nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động; thành lập các tổ thu nợ liên ngành; yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra và thông tin, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật về BHXH để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời…

Công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh theo hướng tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam với các bộ, ngành liên quan. Quá trình thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ của BHXH các tỉnh, thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Bắt đầu từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành đã bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm các chính sách liên quan, đặc biệt đối với công nhân lao động. Để triển khai có hiệu quả các quy định của Bộ luật Hình sự 2015, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan điều tra ở địa phương cung cấp hồ sơ đề nghị xử lý hình sự hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Chỉ tính trên địa bàn Đà Nẵng từ tháng 6-2016 (thời điểm Nghị định 21/2016-NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ về thanh tra chuyên ngành BHXH có hiệu lực thi hành) đến hết tháng 10-2019, BHXH thành phố đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 466 đơn vị, kiểm tra tại 296 đơn vị, chủ trì thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 115 đơn vị. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 1.851 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, 3.550 lao động đóng thiếu mức quy định, thu được 127 tỷ đồng tiền nợ đóng của các đơn vị trong và sau thanh tra, kiểm tra. Hiệu quả của việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN so với chức năng kiểm tra trước đây là rất rõ, nhất là trong việc thu hồi nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT. Theo đó, tỷ lệ nợ thu hồi trong và sau kiểm tra tăng lên qua từng năm, từ 35,99% (2014), lên 73,03% (năm 2018) và 10 tháng đầu năm 2019 là 76,63%.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - TAND tối cao, việc triển khai các nhiệm vụ hiện thực hóa các điều luật 214, 215 và 215 Bộ luật Hình sự 2015 về xử lý vi phạm pháp luật liên quan BHXH là rất quan trọng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực này, góp phần quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành cũng như của người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN...

PHAN CHUNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.