Thanh niên hành động, góp phần giảm đại dịch HIV/AIDS

.

Năm 2019, ngoài thực hiện các chương trình sân khấu hóa tuyên truyền về HIV/AIDS, hội thi tiểu phẩm “Thanh niên Đà Nẵng cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” với nội dung tập trung tuyên truyền tác hại của HIV/AIDS ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bản thân, gia đình và môi trường sống; giới thiệu những tấm gương tiêu biểu đã vượt qua cám dỗ, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội đã góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tuyên truyền, giáo dục phòng chống HIV/AIDS.

Một hoạt cảnh trong vở kịch “Ước gì”.
Một hoạt cảnh trong vở kịch “Ước gì”.

Mới đây, vở kịch ngắn có tựa đề “Ước gì” (trong khuôn khổ hội thi tiểu phẩm “Thanh niên Đà Nẵng cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”) do các đoàn viên, thanh niên (Thành Đoàn Đà Nẵng) thực hiện, kể về một cô sinh viên vì một phút bất cẩn bị nhiễm HIV, đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh với người trẻ về HIV/AIDS - câu chuyện tưởng cũ mà luôn mới này. Theo đại diện Thành Đoàn Đà Nẵng, cùng với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên toàn thành phố đã tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong thanh, thiếu nhi về phòng, chống HIV/AIDS. Qua các đợt tuyên truyền, đặc biệt các cuộc thi tiểu phẩm, các cấp bộ Đoàn đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và đông đảo tầng lớp nhân dân về phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Thành Đoàn cũng phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức các đợt tuyên truyền phòng, chống ma túy và HIV/AIDS. Tại các đợt này, Thành Đoàn đã mời các bác sĩ chuyên khoa thông tin, tư vấn cụ thể về cách phòng, chống, điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, nhận biết tính chất nguy hiểm của HIV/AIDS và biến chứng của bệnh, chỉ dẫn cách phòng tránh căn bệnh này đến đoàn viên, thanh niên, học sinh...

Theo Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, mặc dù công tác tuyên truyền được tập trung triển khai, song vẫn chưa tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động trong xã hội. Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn đang là nguyên nhân hạn chế những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị. Vì vậy, phòng, chống HIV/AIDS phải đi đôi với không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Ông Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết: “Tính đến cuối tháng 10-2019, thành phố Đà Nẵng đã phát hiện hơn 2.640 trường hợp nhiễm HIV; trong đó, 940 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 490 ca tử vong do AIDS. Riêng 10 tháng năm 2019, toàn thành phố phát hiện 206 người nhiễm mới HIV, trong đó, có 91 người có địa chỉ tại Đà Nẵng; 95,6% lây nhiễm qua đường tình dục, 87,9% người nhiễm mới trong độ tuổi từ 15-49 tuổi”.

Ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS không còn là trách nhiệm của một ngành, một cơ quan chức năng nào mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. “Ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các bạn trẻ cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS; biết tạo cho mình thói quen sống lành mạnh, anh Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh thêm.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.