Cuộc chạy đua nhằm tìm ra loại vaccine giúp phòng tránh hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đang được tiến hành khẩn trương trên toàn cầu.
Một nhà khoa học tiến hành nghiên cứu vaccine chống virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm của công ty Arcturus Therapeutics ở San Diego, Mỹ ngày 17-3. Ảnh: Reuters |
Tờ New York Times đưa tin, trong ba tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lan rộng, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đều tham gia cuộc chạy đua nước rút để trở thành bên đầu tiên sản xuất thành công vaccine.
Trong khi các nước này đang hợp tác ở nhiều cấp độ, kể cả ở cấp độ giữa các công ty nghiên cứu mà trước đây từng là đối thủ cạnh tranh khốc liệt, thì phủ bóng lên các nỗ lực này vẫn là mối lo ngại mang tính chủ nghĩa dân tộc về việc nước thắng cuộc sẽ chỉ tập trung điều trị trong nội địa cũng như giành được lợi thế về kinh tế và địa chính trị từ cuộc khủng hoảng này.
Câu hỏi về việc ai sẽ được trao giải thưởng khoa học, nhận bằng sáng chế cùng doanh thu bán vaccine bất ngờ trở thành một vấn đề rộng lớn hơn về an ninh quốc gia khẩn cấp. Và đằng sau cuộc tranh giành là một thực tế phũ phàng: Bất kỳ loại vaccine mới nào được chứng minh có khả năng chống lại SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ bị thiếu hụt khi các chính phủ cố gắng đảm bảo ưu tiên cho chính người dân nước họ được sử dụng trước tiên.
Tại Trung Quốc, 1.000 nhà khoa học đang ngày đêm tham gia nghiên cứu, điều chế vaccine. Các nhà nghiên cứu hợp tác với Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc đã phát triển được loại dược phẩm hứa hẹn thành công và đang tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng. “Trung Quốc sẽ không chậm chân hơn các quốc gia khác”, ông Wang Junzhi, chuyên gia kiểm tra chất lượng sản phẩm sinh học tại Viện Khoa học Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 17-3.
Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo ngành dược phẩm về việc hãy chắc chắn vaccine chống Covid-19 đầu tiên được sản xuất trên đất Mỹ, để đảm bảo rằng nước Mỹ có thể kiểm soát nguồn cung vaccine. Giới chức Chính phủ Đức khẳng định ông Trump đã cố gắng lôi kéo công ty CureVac của Đức làm nghiên cứu và sản xuất vaccine chế ngự virus SARS-CoV-2 tại Mỹ. CureVac ngay lập tức bác tin chuyển nhượng vaccine cho Washington, song nhà đầu tư hàng đầu của công ty này cho biết rõ ràng Mỹ đã có ý định tiếp cận để thâu tóm.
Trả lời tạp chí Sport 1 của Đức, ông Dietmar Hopp, chủ tập đoàn Dievini Hopp BioTech Holding sở hữu 80% cổ phiếu CureVac tiết lộ: “Cá nhân tôi không nói chuyện với Tổng thống Trump. Ông ấy đã liên lạc với công ty và họ lập tức báo cáo với tôi, cũng như hỏi ý kiến tôi. Tôi hiểu rõ điều này không khả thi”.
Thông tin về vụ tiếp cận “cửa sau” này đã thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) cam kết rót vốn thêm 85 triệu USD cho hãng sản xuất trên, vốn nhận được sự hỗ trợ từ một tập đoàn vaccine ở châu Âu. Cùng ngày, một công ty Trung Quốc đã đề nghị mua cổ phần trị giá 133,3 triệu USD của một công ty Đức khác trong cuộc đua điều chế vaccine là BioNTech.
Tiêm thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cho một tình nguyện viên tại thành phố Seattle, Mỹ ngày 16-3. Ảnh: AP/TTXVN |
"Đã xuất hiện một lời cảnh báo toàn cầu rằng công nghệ sinh học là một lĩnh vực chiến lược đối với các xã hội", Friedrich von Bohlen, Giám đốc điều hành tập đoàn Dievini Hopp BioTech Holding nhận xét.
Và cũng giống như các quốc gia đang theo đuổi việc xây dựng máy bay không người lái riêng, máy bay chiến đấu tàng hình riêng cũng như vũ khí an ninh mạng của riêng họ, họ không muốn chịu ơn một thế lực nước ngoài để được sử dụng biệt dược trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh. Sau hai thập kỷ xây dựng cơ sở sản xuất dược phẩm tại Trung Quốc và Ấn Độ, “bạn muốn toàn bộ quá trình sản xuất phải gần gặn ngay nước mình”, ông von Bohlen nói.
Một số chuyên gia nhìn nhận cuộc đua địa chính trị này là lành mạnh, miễn là thành tựu y khoa sẽ được chia sẻ với thế giới – điều mà các quan chức chính phủ vẫn luôn cam kết. Thế nhưng, họ không nói rõ về cách thức cũng như thời điểm. Và nhiều nhà phân tích đã gợi nhắc lại chuyện từng xảy ra thời dịch cúm lợn năm 2009, khi một công ty Australia là bên đầu tiên phát triển loại vaccine đơn liều đã được chỉ định đáp ứng nhu cầu trong nước trước, trước khi xuất khẩu sang Mỹ và những nước khác. Động thái này đã làm dấy lên sự phẫn nộ, hàng loạt thuyết âm mưu, kéo theo nhiều phiên điều trần của quốc hội về các lý do cho sự thiếu hụt vaccine.
Tiến sĩ Amesh Adalja tại Trung tâm An ninh Sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins nói: “Bạn muốn mọi người hợp tác, mọi người lại chạy đua nhanh nhất có thể để có được vaccine và trở thành ứng cử viên tốt nhất để vượt lên phía trước”. Ban giám đốc của các công ty dược hàng đầu thế giới ngày 19-3 cho biết đang phối hợp với nhau cũng như với các chính phủ để đảm bảo phát triển vaccine chống virus SARS-CoV-2 sớm nhất có thể, đồng thời phân phối công bằng. Họ cũng kêu gọi các chính phủ không tích trữ vaccine một khi được phát triển thành công, bởi như vậy sẽ phá hoại mục tiêu rộng lớn hơn là dập tắt đại dịch.
“Tôi khuyến khích mọi người không bị rơi vào cái bẫy khi nói chúng tôi cần lo cho đất nước chúng tôi và đóng cửa biên giới. Sẽ hoàn toàn sai lầm khi rơi vào lối hành xử chủ nghĩa dân tộc như vậy bởi có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng và gây bất lợi cho người dân khắp thế giới”.
Góp phần vào nỗi áp lực trên chính là lời cam kết gần như hàng ngày của Tổng thống Trump rằng nghiên cứu vaccine sắp sửa đạt đột phá. Giới chức Mỹ cùng các ông chủ tập đoàn dược lớn cho biết mặc dù thuốc chống virus SARS-CoV-2 có thể được phép thử nghiệm trên những bệnh nhân nguy kịch thì vẫn phải chờ ít nhất 12 – 18 tháng mới có khả năng hoàn thành.
Nhân viên y tế kiểm tra bộ kit xét nghiệm virus Corona tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN |
“Vaccine được tiêm vào người khỏe mạnh nên chúng ta cần đảm bảo yếu tố an toàn - một quá trình mất nhiều thời gian”, ông David Loew, Phó Chủ tịch Tập đoàn Sanofi Pasteur Pháp cho biết. Tập đoàn của ông đang hợp tác với Eli Lilly và Johnson & Johnson ở Mỹ, Roche và Takeda ở Nhật Bản.
Tại thời điểm bình thường, luôn có yếu tố cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực phát triển thuốc. Nhiều tháng trước khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt đầu truy lùng những nhà khoa học mà cơ quan này cho là đang đánh cắp nghiên cứu y sinh của Mỹ, chủ yếu tập trung vào các nhà khoa học gốc Trung Quốc, trong đó có những người đã trở thành công dân Mỹ hoặc đang đại diện cho Trung Quốc. Có 180 trường hợp đã bị điều tra trong năm ngoái.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 19-3, giám đốc của 5 hãng dược phẩm lớn nhất thế giới cho biết họ đang nỗ lực để tăng khả năng sản xuất của ngành bằng cách chia sẻ năng lực sẵn có. Họ ủng hộ thực hiện nhiều chương trình thử nghiệm để tăng cơ hội thành công, và sau đó cấp phép ngay lập tức để tăng quy mô sản xuất nhanh chóng.
Theo ông David Loew, sau khi vaccine được phê duyệt, “chúng ta sẽ tiêm phòng cho hàng tỷ người trên thế giới, nên chúng ta cần tìm kiếm các phương án về nơi chốn và cách thức sản xuất”. Tuy nhiên, chính phủ mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp phép cho vaccine cũng như nơi bán vaccine.
Ý thức được điều này, một số chính phủ và các nhóm phi lợi nhuận ở châu Âu đã thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn Mỹ hoặc Trung Quốc nắm giữ độc quyền về vaccine chế ngự virus SARS-CoV-2.
Hậu dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014 – 2016, Na Uy, Anh và đa số nước châu Âu khác cùng tổ chức từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation bắt đầu đóng góp hàng triệu USD cho một tổ chức đa quốc gia là Liên minh các sáng kiến chống dịch bệnh (CEPI) để gây quỹ nghiên cứu vaccine. CEPI tuyên bố các thỏa thuận tài trợ tại đây bao gồm điều khoản về quyền bình đẳng đảm bảo rằng "loại vaccine phù hợp trước tiên được dành cho các nước nơi cần chấm dứt hoặc ngăn chặn dịch bệnh, bất kể có khả năng chi trả hay không". Trong hai tháng qua, CEPI đã cấp vốn nghiên cứu cho 8 trong số những ứng cử viên triển vọng nhất để ngăn chặn virus, trong đó có cả CureVac.
Theo Baotintuc.vn