QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Hết mình vì người bệnh

.

Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, những nhân viên y tế tuyến đầu, tham gia trực tiếp điều trị cho bệnh nhân luôn đối mặt nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, việc tiếp xúc diễn ra hằng ngày, đôi khi chỉ để động viên, hỏi thăm, đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân trong thời gian điều trị.

Vượt lên trên sự vất vả và những nguy cơ thường trực ấy, những y, bác sĩ vẫn miệt mài ngày đêm với mục tiêu: điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận thông tin bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2 để khám, thông qua lớp kính cách ly. 										Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận thông tin bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2 để khám, thông qua lớp kính cách ly. Ảnh: PHAN CHUNG

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng mở đầu câu chuyện khi nói về việc điều trị bệnh nhân: “Anh em luôn xác định một tâm thế, là sẵn sàng đón nhận mọi thứ nếu mai này mình cũng giống như những bệnh nhân kia, cũng phải cách ly, điều trị. Nên giờ đây đôi khi cũng phải nghĩ mình đã nhiễm rồi mới cởi bỏ được khoảng cách trong lòng, khoảng cách bên giường bệnh để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, bác sĩ Hàm chia sẻ.

Nhẩm tính trên đầu ngón tay, đến nay đã bước sang tuần thứ 4, các nhân viên y tế khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng bước vào “cuộc chiến”. Đó là vào lúc 22 giờ ngày 7-3, khi có kết quả xét nghiệm của 2 du khách người Anh - 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng được ghi nhận, các nhân viên y tế tại khoa Y học nhiệt đới được lệnh triệu tập. Theo quy định của Bộ Y tế về phòng, chống Covid-19, những nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, có mang đầy đủ dụng cụ bảo hộ, hoàn toàn không phải cách ly.

“Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho bản thân các nhân viên y tế, cho người thân của họ và cho chính xã hội, chúng tôi quyết định cách ly hoàn toàn anh em tham gia trực tiếp điều trị, bố trí ở lại bệnh viện trong suốt thời gian này. Điều may mắn là tất cả anh em ở tuyến đầu đều đồng tình ủng hộ, bởi ai cũng hiểu rằng chưa biết trước điều gì sẽ xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Hơn 18 năm trong nghề, Điều dưỡng trưởng Lê Thị Kim Loan, khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng thừa nhận rằng, chị chưa từng đối diện với môi trường làm việc áp lực, nhiều nguy cơ như hiện nay. Mặc dù số lượng bệnh nhân ít hơn nhiều so với các loại dịch bệnh khác nhưng sự căng thẳng thì gấp bội, thường trực.

Mỗi ngày trôi qua, các điều dưỡng có nhiệm vụ hỗ trợ các bác sĩ tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt. Mỗi khi bước vào khu vực cách ly đặc biệt, tất cả nhân viên y tế bắt buộc phải mang đồ bảo hộ như giày, găng tay, quần, áo, khẩu trang, kính, mũ trùm kín từ trên xuống dưới.

Khi xong nhiệm vụ, nhân viên y tế đi theo lối ra một chiều để tiến hành khử trùng, loại bỏ hết đồ bảo hộ vào thùng rồi tắm gội sạch sẽ. “Cũng có lúc vừa tắm xong, nhìn qua lớp kính thấy bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, tuần hoàn, phải chạy vòng lại mang đồ bảo hộ mới từ đầu. Tóc còn ướt chưa kịp sấy cũng phải đội mũ trùm kín.

Có lúc mang đồ bảo hộ lâu, kín mít, mồ hôi thấm ngược ra ướt sũng, xong việc lại phải nhanh chóng tắm, khử trùng và quay lại sẵn sàng ở cửa vào bên kia nếu bệnh nhân bất thường. Vòng tròn có khi lặp lại 6-8 lần trong 1 ca trực như thế”, chị Loan chia sẻ.

Cũng có lúc, đã 11, 12 giờ khuya, bệnh nhân nhắn người nhà tiếp tế 1 ly nước chanh… vì thèm, hay vài cái bánh ngọt tự làm, những điều dưỡng lại làm nhiệm vụ “người vận chuyển”, bật dậy lục đục mang đồ bảo hộ bước vào trong, rồi lặng lẽ trở ra, khử trùng, vệ sinh theo quy định.

Từ ngày chủ động cách ly, các nhân viên y tế ở đây gửi nỗi nhớ thương cho người nhà qua các cuộc điện thoại, tin nhắn, hình ảnh chuyển cho nhau. Thỉnh thoảng, người thân tiếp tế một ít áo quần, nhu yếu phẩm, họ cũng chỉ nhận được qua nhân viên trực ở cổng bệnh viện. Họ gác lại mọi sự nhớ nhung, gặp gỡ để toàn lực chăm lo, điều trị cho bệnh nhân và giữ khoảng cách an toàn cho xã hội.

Đây cũng là lúc mà bệnh viện rất quan tâm đến sự an toàn của chính những nhân viên đang tập trung cao độ nhất để theo dõi điều trị cho các bệnh nhân. Bệnh viện cũng thiết lập các vành đai kỹ càng để SARS-CoV-2 không thể lây nhiễm ra ngoài và không lây nhiễm chéo cho y, bác sĩ. Ngoài ra, các trang thiết bị bảo hộ cũng được cung cấp, bố trí đầy đủ và bảo đảm nhất cho công tác điều trị”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.

ĐẠI BÌNH

;
;
.
.
.
.
.