ĐNO - Đoàn cán bộ y tế của Hải Phòng và Bình Định đã đặt chân đến Đà Nẵng để hỗ trợ thành phố trong công tác chống dịch. Gác lại gia đình, tạm biệt quê nhà, lúc này, tất cả đã sẵn sàng tâm thế để "chia lửa" cùng Đà Nẵng.
Đoàn cán bộ y tế thành phố Hải Phòng tạm biệt gia đình, đồng nghiệp để lên đường tới Đà Nẵng. Ảnh: N. DƯƠNG |
Nhiều năm công tác tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp, bác sĩ Đặng Duy Nhất (SN 1973) là đại diện duy nhất của khoa lên đường đến Đà Nẵng đợt này. Với anh, đây là chuyến công tác đặc biệt, bởi anh không chỉ tham gia hỗ trợ chuyên môn mà còn tập huấn cho các cán bộ y tế trong đoàn về các phương cách chủ động phòng, chống dịch cho bản thân mỗi người.
Chúng tôi liên hệ với bác sĩ Đặng Duy Nhất qua một cuộc điện thoại vội, khi anh vừa xong bữa cơm trưa để chuẩn bị cho công việc bận rộn trước mắt. Anh kể: “Trong đoàn có nhiều người còn trẻ, người có con thì con còn nhỏ. Lúc chúng tôi nhận thông tin lên đường, gia đình cũng lo lắng, nhưng tất cả đều động viên nhau vượt qua khó khăn vì nhiệm vụ chung”.
“Được tham gia đoàn cán bộ y tế thành phố Hải Phòng đến hỗ trợ cho thành phố kết nghĩa Đà Nẵng, bản thân tôi thấy vinh dự và tự hào. Đây là trách nhiệm của người làm y tế Hải Phòng nói chung lúc này”, bác sĩ Nhất chia sẻ.
Hỏi bác sĩ Nhất, rằng anh có điều gì nhắn nhủ với gia đình ở nhà, anh bảo: “Bản thân mình đã quen với công việc nên sẽ biết cách trang bị kỹ cho bản thân để phòng, tránh, bảo đảm không chủ quan. Chỉ cần gia đình, người thân an lòng. Xin mọi người đừng lo lắng nhiều, hãy an tâm và tin rằng mọi chuyện sẽ ổn”.
Điều dưỡng Nguyễn Minh Hằng (trái) và điều dưỡng Bùi Thị Thanh Nhung trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: N. DƯƠNG |
Trong số 33 cán bộ y tế tham gia chuyến chi viện cho Đà Nẵng lần này có nữ điều dưỡng Nguyễn Minh Hằng (SN 1997, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp). Hằng là người trẻ nhất trong đoàn. Cô gái quê Bắc Giang, là con cả trong một gia đình có 2 chị em. Cô gái trẻ, còn độc thân sẵn sàng xông pha ra tuyến đầu chống dịch. Hằng chia sẻ: "Trước khi có thông tin chi viện cho Đà Nẵng, em gọi điện báo cho bố mẹ và nhận được sự ủng hộ, dù bố mẹ cũng lo lắng cho con lắm. Đến Đà Nẵng đợt này, em chỉ mong được cống hiến sức trẻ, năng lực của mình cho cộng đồng nói chung và thành phố bạn nói riêng. Tất cả cũng chỉ mong Covid-19 sớm được loại trừ".
Cùng đơn vị với Hằng, nữ điều dưỡng Bùi Thị Thanh Nhung (SN 1987) tâm sự: "Tôi có gia đình với 2 cháu nhỏ, 1 cháu 8 tuổi và 1 cháu 4 tuổi. Từng làm việc ở khu cách ly trong đợt dịch lần trước nên lần này tôi cũng không quá ái ngại về công tác phòng dịch".
Chị kể, khi nhận quyết định điều động, chị chỉ có 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị tư trang, hành lý cho chuyến công tác. Chồng chị lúc ấy đang đi công tác ở Thanh Hóa, 2 con đã gửi về cho ông bà ngoại chăm sóc. "Trước khi đi dn, tôi đã trực cả ngày. Sáng 5-8 thì chỉ có 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị hành lý lên đường, còn chưa kịp gặp con do thời gian gấp gáp, khẩn trương", chị Nhung cho biết. Gác lại nỗi nhớ con, chị lên đường, hẹn hết dịch sẽ trở về, đó là ngày tràn nhập những niềm vui...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ ba, từ phải sang) tiếp nhận số tiền ủng hộ và khẩu trang y tế do chính quyền thành phố Hải Phòng trao tặng vào chiều 6-8. Ảnh: X. SƠN |
Bác sĩ Trần Anh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hải Phòng chia sẻ: "Khi tình hình dịch ở Đà Nẵng diễn tiến phức tạp và Đà Nẵng có thông tin cần "chi viện", chỉ qua thời gian ngắn ngủi là 1 ngày thôi mà đã có 33 cán bộ y tế, bác sĩ, điều dưỡng... thuộc các chuyên ngành ở các bệnh viện lớn tại Hải Phòng sẵn sàng lên đường. Đây là những người giàu kinh nghiệm ở các lĩnh vực liên quan như nội hô hấp, hồi sức, bệnh truyền nhiễm... Tất cả thành viên trong đoàn đều là những người trực tiếp xung phong lên đường, nên tinh thần của ai cũng đang rất cao với mong muốn sát cánh cùng các đồng nghiệp y tế Đà Nẵng đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi sẽ ở đây, khi tình hình ổn thỏa mới quay về”.
Chiều 6-8, đoàn cán bộ y tế tỉnh Bình Định đã có mặt tại Đà Nẵng để kịp thời hỗ trợ thành phố phòng dịch.
Bác sĩ Đặng Tuấn Hải, công tác tại Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Trưởng đoàn công tác cho biết: "Những người được lựa chọn đi ở đây hầu hết trẻ, khỏe, chưa có gia đình và rất nhiệt huyết với công tác đoàn thể, cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Số lượng ban đầu Sở Y tế tỉnh Bình Định giao là 25 chỉ tiêu cho cả tỉnh thế nhưng đến tối 5-8 đã lên tới 100 người đăng ký. Các lãnh đạo đơn vị y tế các tuyến quận, huyện cũng như bộ phận chọn lọc dựa vào diện khoa phòng, gia đình, con cái để chọn ra những cán bộ y tế phù hợp nhất".
"Tâm lý đội ngũ hiện rất thoải mái, do nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ lãnh dạo bệnh viện cũng như lãnh đạo Sở Y tế tỉnh nhà. Thứ hai là sự hỗ trợ của gia đình, tất cả đều quyết tâm "đi đến cùng" với Đà Nẵng trong công tác dập dịch", bác sĩ Hải cho hay.
“Chia lửa” cùng thành phố Đà Nẵng trong trận tuyến chống Covid-19, tỉnh Bình Định cử 25 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến từ 7 đơn vị y tế chủ lực, trọng điểm gồm: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định, BVĐK khu vực Bồng Sơn, trung tâm y tế các huyện An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy Tiên (SN 1994) công tác tại Khoa Tai-mũi-họng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) là một trong những bác sĩ trẻ lên đường đến Đà Nẵng lần này. |
Những bó hoa tươi thắm được mang theo từ quê nhà cũng tiếp thêm niềm vui cho các thành viên trong đoàn công tác. |
Đoàn công tác tỉnh Bình Định thể hiện quyết tâm trước khi bước vào công tác hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. |
XUÂN SƠN