Đến sáng nay (26-11), cả nước sang ngày thứ 85 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng công tác phòng chống dịch Covid-19 không thể lơ là.
Dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng không thể lơ là, chủ quan. |
Tối 25-11, thông tin về dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cho biết đã ghi nhận 5 ca mắc mới Covid-19 và đều được cách ly ngay sau nhập cảnh, đưa số người mắc bệnh trong cả nước kể từ ngày dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm lên con số 1.321. Trong ngày cũng không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Như vậy, tính đến 18h ngày 24-11, cả nước đã qua 84 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng và kể từ ngày 2-9 đến sáng nay (26-11), cả nước bước sang ngày thứ 85 không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng.
Tại Hà Nội, đến sáng 26-11, Thành phố sang ngày thứ 100 không có ca nhiễm trong cộng đồng, còn với TPHCM, số ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng hiện là 117.
Tình hình điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 cũng khả quan. Tiểu Ban Điều trị cho biết đến thời điểm này, các cơ sở y tế trong nước đã chữa khỏi cho 1.153/ 1.321 bệnh nhân mắc Covid-19. Cùng với đó, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 12, âm tính lần 2 là 6 ca, âm tính lần 3 là 12ca. Số ca tử vong do Covid-19 ở nước ta vẫn là 35 ca.
Bộ Y tế đề nghị giải pháp phòng ngừa mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trong nước qua thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch. |
Dịch còn kéo dài không được chủ quan, lơ là, sơ sót
Thời gian gần đây, do dịch bệnh được kiểm soát tốt nên trong cộng đồng có nơi, có lúc xuất hiện tâm lý chủ quan. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các địa phương, nhất là TP. Hà Nội tiếp tục nêu yêu cầu mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân không được lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh nguy hiểm này.
Trong chuyến công tác kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch tại một số trường học, bệnh viện, nhà máy ở Long An, Đồng Nai vào ngày 23-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh ở trong nước trong một thời gian dài không có ca nhiễm trong cộng đồng thì dễ nảy sinh tâm lý lơi lỏng, chủ quan. Vì vậy, trước hết trong hệ thống phòng chống dịch phải siết chặt lại bằng cách thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định, hướng dẫn chống dịch.
Phó Thủ tướng nêu rõ yêu cầu: “Chúng ta nhất định không được để ‘thủng’ hệ thống phòng chống dịch, trong đó mạng lưới cơ sở y tế là xung yếu, các khoa thận nhân tạo, hồi sức, cấp cứu là ‘xung yếu của xung yếu’. Tất cả các BV, phòng khám, trạm y tế cơ sở phải tự đánh giá việc thực hiện biện pháp phòng chống dịch, cập nhật lên bản đồ chống dịch”, đồng thời phải “bao đê cho chặt” vì dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biết phức tạp.
Với vai trò đầu tàu trong phòng chống Covid-19, ngày 24-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh dịch đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều nước. Ở trong nước, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát, tuy nhiên các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận. Do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực nên cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống.
Trong một diễn biến liên quan, để phòng ngừa mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trong nước qua thực phẩm nhập khẩu, ngày 24-11, Bộ Y tế có công văn gửi các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài chính và UBND các tỉnh/thành phố đề nghị thực hiện lấy mẫu trên bao bì để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch.
Tại Hà Nội, công tác phòng chống dịch đã được tiếp tục quán triệt tại Thông báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Thành phố (ban hành ngày 24-11). Theo đó, ngoài duy trì 5 đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở GTVT tăng cường kiểm tra việc chấp hành phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông công cộng; yêu cầu các đối tượng ra - vào bến xe, tham gia phương tiện giao thông công cộng phải đeo khẩu trang; từ chối phục vụ đối tượng không chấp hành đeo khẩu trang.
Theo Chinhphu.vn