"Trẻ hóa" bệnh nhân đột quỵ - dấu hiệu đáng lo ngại

.

Nếu như trước đây đột quỵ là căn bệnh phổ biến của người cao tuổi, nhất là những người trên 50 tuổi có các bệnh nền liên quan thì gần đây, số người trẻ tuổi nhập viện cấp cứu, thậm chí rơi vào nguy kịch vì căn bệnh này có xu hướng tăng. “Trẻ hóa” bệnh nhân đột quỵ là dấu hiệu đáng lo ngại, gây ra nhiều hệ lụy đi kèm.

Đột quỵ đang có xu hướng tăng đối với người trẻ tuổi. Trong ảnh: Một bệnh nhân 40 tuổi bị đột quỵ, rơi vào hôn mê đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Đột quỵ đang có xu hướng tăng đối với người trẻ tuổi. TRONG ẢNH: Một bệnh nhân 40 tuổi bị đột quỵ, rơi vào hôn mê đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Ngày 15-12, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân L.C.K. (40 tuổi, trú Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, xuất huyết não. Người thân cho biết trong lúc anh K. vào Đà Nẵng du lịch người có dấu hiệu mệt mỏi, tê chân tay, người mất thăng bằng và hoa mắt, chóng mặt. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị đột quỵ, đồng thời tiến hành thông khí nhân tạo xâm nhập, hút đờm qua nội khí quản và mở khí quản bằng ống thông một lần cho bệnh nhân thở máy. Trước đó, bệnh nhân T.T.H.A. (35 tuổi, trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cũng được người nhà chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng với các dấu hiệu của đột quỵ như đầu bất ngờ đau dữ dội, miệng méo, cơ thể mất sức đột ngột, đứng không vững. Hình ảnh chụp MRI cho thấy bệnh nhân bị vỡ dị dạng mạch máu não. Rất may, bệnh nhân được đưa cấp cứu kịp thời, tránh được tình trạng phù não, dẫn đến hôn mê và tử vong.

Khoa Đột quỵ hiện đang tiếp nhận, điều trị 75 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có nhiều trường hợp phải thở máy, nguy kịch. Theo thống kê, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận, điều trị khoảng 4.000 bệnh nhân đột quỵ. Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ cho biết, bệnh nhân đột quỵ được tiếp nhận, điều trị được phân thành 2 nhóm chính, bao gồm đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ do xuất huyết não. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chính là do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não. Còn đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ. “Điều đáng nói, hiện nay tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ đang ngày càng gia tăng. Nếu người già bị đột quỵ do các bệnh lý nền đi kèm như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch thì nguyên nhân khiến người trẻ bị đột quỵ lại xuất phát từ thói quen sinh hoạt, lối sống. Đặc biệt, việc sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ma túy, thuốc tránh thai… của giới trẻ đã làm gia tăng tình trạng đông máu cục bộ, dẫn đến đột quỵ”, bác sĩ Hải cho biết.

Theo khuyến cáo, đột quỵ để lại nhiều di chứng và hậu quả nặng nề, trong đó có khoảng 70% số người bị đột quỵ không trở lại được công việc và trạng thái sức khỏe ban đầu. Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ tuổi đời còn rất trẻ, chỉ trên dưới 35 tuổi; sau khi được điều trị xong cũng không thể tiếp tục công việc, thậm chí không thể sống tự lập. “Xã hội mất đi nguồn lực lao động, người thân phải thêm công sức, tài sản để chăm sóc, điều trị suốt đời. Về lâu dài, các biến chứng đi kèm sau đột quỵ, nhất là viêm phổi cũng khiến cuộc sống người bệnh gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do vì sao người ta vẫn thường nói đột quỵ là căn bệnh rất tốn kém”, bác sĩ Hải chia sẻ thêm.

Theo khuyến cáo của các y, bác sĩ, để phòng tránh đột quỵ, người dân cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rau củ quả, hạn chế chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và các chất kích thích. Ngoài ra, cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát cơ thể để loại trừ các nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. “Trong trường hợp người thân có dấu hiệu đột quỵ  như đột ngột yếu nửa người hoặc méo miệng hoặc rối loạn ngôn ngữ, lời nói không còn nghe rõ... hoặc đã bị đột quỵ thì người nhà cần lập tức đưa đến cơ sở y tế sớm nhất. “Giờ vàng” cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ chỉ kéo dài khoảng 4 đến 5 giờ. Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ... Vì những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Nếu người bệnh được can thiệp, điều trị càng sớm so với thời gian trên, tỷ lệ hồi phục càng cao và ngược lại”, bác sĩ Hải cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích