Nỗi lo bệnh cận thị trong học sinh

.

Tình trạng bệnh học đường, phổ biến là bệnh cận thị ở học sinh tiểu học, THCS thời gian qua đang báo động, gây bất tiện trong sinh hoạt và về lâu dài sẽ ảnh hưởng sự phát triển trí tuệ, thể lực, sinh hoạt hằng ngày và sự lựa chọn nghề nghiệp của người bị cận.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám mắt cho học sinh trên địa bàn thành phố. 				   		        (Ảnh do Sở GD&ĐT cung cấp)
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám mắt cho học sinh trên địa bàn thành phố. (Ảnh do Sở GD&ĐT cung cấp)

Nhiều trường có tỷ lệ học sinh cận thị cao

Khảo sát ở nhiều trường học cho thấy, học sinh bị bệnh về mắt (cận thị) khá phổ biến. Qua đợt kiểm tra y tế đầu năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) ghi nhận có 271 học sinh bị bệnh về mắt (chiếm tỷ lệ 19% trong tổng số học sinh); Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) có 564 học sinh bị bệnh về mắt (chiếm tỷ lệ 29,3% trong tổng số học sinh toàn trường); Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) có 421 em bị bệnh về mắt (chiếm tỷ lệ 32,2%). Tại Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), trong năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT phối hợp với Trung tâm khám sàng lọc Đà Nẵng tổ chức khám 1.943 học sinh, phát hiện 738 em bị bệnh về mắt (chiếm tỷ lệ 38%)...

Theo nhân viên tại các cửa hàng mắt kính trên tuyến đường Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, thời gian qua nhiều phụ huynh đưa con đến đo mắt và cắt kính cận khá nhiều, trong đó phổ biến từ 1,5 độ đến 3 độ. Chị Hà Nhiên (ngụ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) có con học lớp 1 cho biết, khi con mình học mẫu giáo lớn đã có biểu hiện cận thị. Khi bước vào học lớp 1, cháu gặp khó trong việc quan sát, gia đình phải chở con đi khám, nhân viên đo, khám mắt cho biết con bị cận 2 độ, buộc phải mang kính.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân bị cận thị là do ngồi sai tư thế, đọc trong điều kiện không đủ ánh sáng, xem tivi, dùng các thiết bị công nghệ thông tin nhiều. Bệnh cận thị có thể gây bất tiện trong sinh hoạt và về lâu dài sẽ ảnh hưởng sự phát triển trí tuệ, thể lực, sinh hoạt hằng ngày và sự lựa chọn nghề nghiệp của người bị cận. Bệnh cận thị nặng có thể kèm theo các biến chứng như: lác, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính, dẫn đến mù lòa. “Nếu không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời sẽ dẫn đến nhược thị, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này”, bác sĩ Khôi nói.

Hãy bảo vệ đôi mắt của trẻ

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hải Châu cho biết, xác định bệnh về mắt của học sinh xuất phát từ nguyên nhân ánh sáng chưa đủ cũng như tư thế ngồi học của học sinh, vì vậy, ngành GD&ĐT quận đã chỉ đạo các trường kiểm tra, trang bị đủ lượng ánh sáng tại các phòng học; đồng thời phòng học phải được sơn màu tường theo chuẩn y tế học đường để tăng ánh sáng. Ngoài ra, quận Hải Châu đã có kế hoạch thay thế dần bàn ghế có kích thước phù hợp với sự phát triển của học sinh.

Tại quận Sơn Trà, tuy tỷ lệ học sinh bị bệnh về mắt không nhiều như những địa phương khác, song ngành GD&ĐT quận luôn theo sát chỉ đạo các trường, ngoài bảo đảm ánh sáng tại các lớp học, giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh ngồi đúng tư thế trong khi học, viết bài và hoán đổi chỗ ngồi cho học sinh. “Bên cạnh các giải pháp tại nhà trường, trong thời gian học sinh ở nhà, phụ huynh nên nhắc nhở con em hạn chế xem tivi, điện thoại cũng như đọc sách ở những nơi thiếu ánh sáng để bảo vệ đôi mắt cho con”, ông Võ Trung Minh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà nêu ý kiến.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, kiêm Trưởng ban Quản lý dự án “Chăm sóc mắt học đường” thành phố cho biết, từ năm 2016, thành phố tiếp nhận và triển khai dự án “Chăm sóc mắt học đường”, do ngân hàng Standard Chartered Bank và Quỹ Fred Hollows tài trợ. Dự án chia thành 2 giai đoạn, trong giai đoạn 2016-2018 triển khai trên địa bàn 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn gồm 86 trường (52 trường tiểu học, 34 trường THCS) với tổng số học sinh hơn 86.000 em và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hơn 4.600 người. Giai đoạn 2019-2020, triển khai tại quận Liên Chiểu với 21 trường (13 trường tiểu học, 8 trường THCS), tổng số học sinh hơn 24.000 em, gần 900 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học phân công nhân viên y tế trường học và giáo viên Tổng phụ trách Đội phối hợp với các trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường triển khai công tác y tế học đường: khám sức khỏe ban đầu, kiện toàn đội ngũ, sàng lọc tật khúc xạ, phối hợp khám chuyên khoa cho tất cả học sinh. Các trường học đã có nhiều biện pháp sáng tạo hướng dẫn cho học sinh tự kiểm tra mắt, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn kiểm tra bằng bảng đo thị lực rút gọn tại từng lớp học. Các em được phát hiện mắc tật khúc xạ, bị các bệnh về mắt được tư vấn để gia đình đưa đi khám chuyên sâu, học sinh thuộc diện hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được lập danh sách để Phòng GD&ĐT tổng hợp, Sở GD&ĐT phê duyệt được khám, cấp kính miễn phí và được dự án cấp kính miễn phí. Tính đến hết năm 2020, Ban Quản lý dự án đã triển khai khám sàng lọc gần 190.000 học sinh, cấp 7.244 đôi kính mắt.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.