Chủ động, sẵn sàng phương án phòng, chống Covid-19

.

Ngay sau khi các địa phương phía Bắc liên tiếp ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đồng loạt triển khai nhiều biện pháp. Các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở và khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch, đặc biệt là thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Ban Quản lý chợ Hàn đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào chợ. Ảnh: XUÂN DŨNG
Ban Quản lý chợ Hàn đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào chợ. Ảnh: XUÂN DŨNG

Khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên

Theo ghi nhận, tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên địa bàn đã kích hoạt lại các biện pháp phòng dịch như đặt chai nước rửa tay sát khuẩn tại lối vào, nhà vệ sinh và các khu vực trong quán. Đặc biệt, nhiều quán cà phê còn chủ động kê bàn ghế cho khách ngồi cách xa nhau và khai thác thông tin khách hàng từ đâu đến.

Anh Mạc Bảo Khánh (quản lý quán cà phê The Vietnam Hostel) cho biết, từ khi có thông tin các ca nhiễm Covid-19 ở tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, lượng khách tới quán giảm nhẹ. Tuy nhiên, khách đến mua về tăng lên và khách uống tại quán cũng có xu hướng không ngồi quá lâu. “Chúng tôi nhắc nhở nhân viên trong quán tuân thủ đeo khẩu trang 100%; đồng thời, bố trí nhân viên nhắc nhở khách mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi vào quán”, anh Khánh chia sẻ.

Tương tự, một số chợ trên địa bàn thành phố như chợ Đống Đa, chợ Hàn (quận Hải Châu), chợ Tam Thuân (quận Thanh Khê)… cũng khởi động lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Đơn cử, tại chợ Hàn thực hiện lại biện pháp đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn cho tiểu thương cũng như người dân khi đi vào chợ.

Ông Hoàng Cung Thượng Đức (Phó trưởng Ban quản lý chợ Hàn) cho biết, hiện cứ mỗi 30 phút, Ban Quản lý chợ phát loa tuyên truyền cho người dân, tiểu thương về chấp hành các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là thực hiện thông điệp 5K. Ngay từ ngày 28-1, chợ đã thành lập tổ kiểm tra, liên tục đi kiểm sóat, nhắc nhở tiểu thương, người dân mua hàng đeo khẩu trang. Nếu tiểu thương nào không chấp hành, Ban Quản lý chợ sẽ chụp hình, lập biên bản xử lý và tạm đình chỉ kinh doanh tối thiểu 3 ngày.

Thực hiện văn bản chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, các địa phương trên địa bàn thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp về tiếp tục phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, nhiều phường đẩy mạnh hoạt động của các tổ tuyên truyền cơ động, tổ Covid-19 cộng đồng. Theo ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), hiện phường đang triển khai 2 tổ tuyên truyền cơ động và 33 tổ Covid-19 cộng đồng.

Trong đó, nhiệm vụ của tổ tuyên truyền cơ động là đi đến các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, các chợ và các kiệt, hẻm để tuyên truyền cho người dân; các tổ Covid-19 cộng đồng tại khu dân cư thông báo cho người dân thực hiện công tác phòng dịch bằng các biện pháp như: Đến tuyên truyền từng nhà, thông báo qua nhóm zalo của khu dân cư.

Ngoài ra, phường Hải Châu 1 còn cho triển khai 2 xe bán tải có gắn loa, pano thông điệp 5K của Bộ Y tế đi tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường trên địa bàn. “Qua 2 ngày, việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại địa phương đang thực hiện rất nghiêm túc. Bên cạnh đó, nhìn chung người dân cũng có ý thức chấp hành cao, không xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là”, ông Võ Trường Anh cho hay.

Điều tra dịch tễ, sẵn sàng phương án

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành y tế thành phố đã chủ động điều tra dịch tễ đối với các trường hợp là công dân đến, trở về từ vùng có dịch. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm sóat bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, đơn vị đang phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện tiến hành rà sóat những trường hợp liên quan.

“Đề nghị những người dân từng đến, đi về từ các địa phương Quảng Ninh, Hải Dương hoặc liên quan đến các bệnh nhân đã công bố, những địa điểm bệnh nhân lui tới thì chủ động khai báo ngay với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn và kịp thời áp dụng các biện pháp y tế cần thiết”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.

Hiện CDC Đà Nẵng đang gấp rút phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện bố trí nhân lực lấy mẫu xét nghiệm đối với những người đã từng đi, đến, về từ thành phố Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1-1-2021 và Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) từ ngày 5-1; đồng thời tư vấn cho người được lấy mẫu xét nghiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc, đi lại trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, trước nguy cơ dịch Covid-19 có thể bùng phát, ngành y tế kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, yêu cầu các đơn vị trực thuộc, bệnh viện bộ, ngành, tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn thành phố cùng tham gia. Theo đó, các cơ sở y tế chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương án phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị tùy theo diễn biến, không để bị động, bất ngờ.

“Các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như mang khẩu trang, sát khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế và chuẩn bị sẵn sàng các phương án truy vết, xử lý tình huống đồng thời thường xuyên cập nhật, đánh giá cơ sở y tế an toàn theo tiêu chí của Bộ Y tế về bệnh viện an toàn trong phòng, chống Covid-19”, bác sĩ Yến cho biết.

Hiện ngành y tế Đà Nẵng đã khởi động tinh thần phòng, chống Covid-19 như đợt dịch thứ 2 diễn ra hồi cuối tháng 7-2020. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu mỗi trung tâm y tế quận, huyện phải chuẩn bị ít nhất 20 giường điều trị cho F1 có triệu chứng.

Các trung tâm y tế cần phát huy vai trò tham mưu cho UBND quận, huyện các biện pháp phòng, chống dịch tùy theo tình hình thực tế. Đối với CDC Đà  Nẵng, cần tập trung cao độ nhất và nhanh nhất việc lấy mẫu các trường hợp về từ vùng dịch; lên kế hoạch xét nghiệm diện rộng cho khoảng 100 ngàn người.

Hiện ngành y tế Đà Nẵng đã chuẩn bị nhân lực để khi cần, sẵn sàng chi viện và hỗ trợ ngành y tế tỉnh Hải Dương theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, để toàn bộ trang thiết bị của Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn được thành lập hồi tháng 8-2020 cũng sẽ được chuyển ra và lắp đặt tại Hải Dương để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Cũng trong sáng 31-1, ngành y tế thành phố đã có cuộc hội ý chuyên môn trực tuyến với ngành y tế tỉnh Hải Dương. “Đội ngũ tham gia hội y là các y, bác sĩ trong lĩnh vực điều trị và dự phòng. Thực tiễn, kinh nghiệm của Đà Nẵng trong công tác điều trị, cách ly, truy vết đối với công tác phòng, chống Covid-19 hy vọng sẽ có ý nghĩa kịp thời, góp sức với Hải Dương trong nỗ lực kiểm sóat, khống chế dịch bệnh”, bác sĩ Yến cho biết thêm.

PHAN CHUNG - XUÂN DŨNG

Kích hoạt ngay khi có yêu cầu

Chiều 31-1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam ký Công văn số 562/UBND-SYT về quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Theo đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị kích hoạt các phương án và biện pháp ứng phó phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất; sẵn sàng triển khai các hoạt động ngay khi có yêu cầu. Sở Y tế phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị, địa phương tổ chức cách ly tập trung đối với các trường hợp F1 đủ 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm từ 2-3 lần. Người dân đã từng đến, về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) từ ngày 1-1 đến 12-1, Sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 5-1 đến 10-1 đến nay được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Người về từ tỉnh Hải Dương từ ngày 13-1, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 18-1 thì tổ chức cách ly y tế tại nhà trong vòng 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm từ 2-3 lần.

Đối với người trở về từ các vùng dịch thuộc các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Gia Lai và các vùng dịch khác theo thông báo của Bộ Y tế, người nghi ngờ là F1, F2 phải chủ động khai báo y tế với chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn và áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp. Riêng người đi, về từ ổ dịch và các khu vực phong tỏa tính từ ngày ổ dịch được xác định và khu vực đó được phong tỏa thì cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định...

UBND thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các đơn vi, địa phương liên quan tăng cường rà soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, tại cộng đồng dân cư, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ để áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp; điều tra, truy vết, khoanh vùng, áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm và các trường hợp  liên quan.

UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang, tập trung đông người, vi phạm các quy định phòng, chống dịch tại nơi công cộng. Sở Du lịch phối hợp yêu cầu các cơ sở lưu trú thông báo cơ quan y tế địa phương khi phát hiện các trường hợp trở về, đến từ Quảng Ninh, Hải Dương và các vùng dịch khác, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời...

LÊ HÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.