Chủ động phòng, chống Covid-19 trong trạng thái bình thường mới

.

ĐNO - Sáng 17-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố về việc đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua, bàn các giải pháp lớn để phòng, chống dịch hiệu quả thời gian tới. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 3 đợt dịch (bắt đầu từ năm 2020 đến nay) Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, đưa ra phương thức, cách làm quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, “thần tốc trong truy vết, khoanh vùng”. Các chỉ đạo này được các cấp, các ngành, các địa phương, người dân hưởng ứng. Việc ngăn chặn Covid-19 của nước ta được thế giới đánh giá cao, được ca ngợi trên nhiều diễn đàn, phương tiện thông tin.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, cần tiếp tục chung sống, có giải pháp phù hợp chiến đấu trường kỳ kiểm soát dịch bệnh; đồng thời tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra.

Chính vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Khi có nguy cơ dịch xảy ra phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch.

“Cần chủ động trong trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên có tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh không thể liên tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao (như giãn cách xã hội) trong thời gian dài và ở phạm vi rộng, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các đơn vị, địa phương cần tích cực thực hiện các giải pháp căn cơ nhưng phổ thông nhất, dễ thực hiện nhất nhằm ngừa lây nhiễm trong cộng đồng (như bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người, hạn chế hội họp, tăng làm việc trực tuyến...). Đồng thời thực hiện nghiêm biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn đối với các đối tượng có nguy cơ cao trong cộng đồng (người cao tuổi, người có bệnh nền...).

Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là lao động tay nghề cao nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế, nhất là tại các địa phương không có dịch. Hoàn thiện các quy trình bảo đảm an toàn trong các hoạt động kinh tế, xã hội; tổ chức các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn...

Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, tính đến nay, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).

Tình hình dịch bệnh trong nước hiện cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép.

“Trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc-xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc-xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc-xin trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 Việt Nam mới có. Trước mắt cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K. Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn mới diễn ra sáng 17-3. Ảnh: PHAN CHUNG
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn mới diễn ra sáng 17-3. Ảnh: PHAN CHUNG

Là một trong những địa phương có kinh nghiệm trong phòng, chống Covid-19 thời gian qua, Đà Nẵng được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhiều biện pháp cần thiết. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, đúc kết các bài học kinh nghiệm và các giải pháp phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn dịch thứ 2, Đà Nẵng vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt, đầy đủ, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế. Đặc biệt là chuẩn bị thật cụ thể các kế hoạch, phương án, các nguồn lực sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh; quyết liệt thực hiện tốt 5 chiến lược kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm chung trên địa bàn thành phố; xây dựng các tình huống, phương án xử lý bảo đảm y tế, phòng, chống dịch tại cuộc bầu cử; thường xuyên cập nhật ổ dịch, vùng dịch, các địa phương có trường hợp mắc Covid-19 do lây lan trong cộng đồng (xã, phường) thông tin tình hình dịch bệnh, trên cả nước, kịp thời để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch trên địa bàn.

“Bên cạnh đó, việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được tiến hành theo lộ trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế. Liên quan đến vấn đề này, kính đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Đà Nẵng trong việc cung ứng nguồn vắc-xin để địa phương mở rộng đối tượng được tiêm Covid-19 trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiến nghị.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.