Bắt đầu từ ngày 8-3, những liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Y tế phân phối và tiến hành tiêm cho những đối tượng ưu tiên. Tại Đà Nẵng, 100 liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên được tiếp nhận trong ngày 11-3. Liên quan đến lộ trình, kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Đà Nẵng, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố.
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tiếp nhận và đưa 100 liều vắc-xin ngừa Covid-19 vào bảo quản theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ảnh: PHAN CHUNG |
* Những liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm ở Việt Nam từ ngày 8-3. Tại Đà Nẵng khi nào sẽ triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, thưa bác sĩ?
- Sáng 11-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố tiếp nhận 100 liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên theo kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Bộ Y tế. Công ty CP vắc-xin Việt Nam (VNVC) là đơn vị mua vắc-xin ngừa Covid-19. VNVC Đà Nẵng tiếp nhận, bàn giao lại cho CDC Đà Nẵng theo chỉ đạo từ Bộ Y tế. Theo đó, 100 liều vắc-xin ngừa Covid-19 bàn giao cho CDC Đà Nẵng dịp này mang tên AstraZeneca. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ tiêm 100 liều vắc-xin đầu tiên này cho 100 nhân viên y tế tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vào ngày 12-3.
* Tại sao 100 nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được tiêm đầu tiên?
- Việc mua, sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng hiện nay đang được thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ và Bộ Y tế cũng có Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 5-3 về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022. Theo đó, có 11 nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam. Cụ thể 11 nhóm đối tượng gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...); người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Hiện nay Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn đang duy trì các hoạt động cách ly, điều trị các ca nhiễm Covid-19 sau khi nhập cảnh. Chính vì thế, việc ưu tiên tiêm cho các cán bộ, nhân viên y tế tại đây là đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
* Hiện nhiều người dân quan tâm đến việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Vậy trong thời điểm hiện nay, người dân có được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hay chưa?
- Vấn đề quản lý, nhập, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin được Chính phủ giao cho Bộ Y tế là cơ quan tập trung. Tùy theo số lượng vắc-xin được nhập, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể cho từng địa phương và mở rộng ra từng đối tượng cụ thể, ưu tiên. Hiện nguồn lực vắc-xin rất hiếm và Bộ Y tế phải cân đối theo tình hình thực tế của từng địa phương.
Về phía thành phố Đà Nẵng, ngành y tế cũng chỉ mới tiếp nhận được 100 liều và hiện chưa có thông tin về việc tiếp nhận thêm bao nhiêu liều vắc-xin nữa, khi nào sẽ tiếp nhận. Với số lượng vắc-xin được tiếp nhận ít như vậy thì người dân chưa thể được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 lúc này. Cũng cần nói thêm, việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay đang triển khai tiêm miễn phí theo kế hoạch của Bộ Y tế. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin dịch vụ hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác vẫn đang đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế theo giai đoạn phù hợp với thực tế.
* Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, vì đây là loại vắc-xin mới nên các cơ sở tiêm chủng phải chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra. Cụ thể về vấn đề này, Đà Nẵng chuẩn bị như thế nào, thưa bác sĩ?
- Khả năng đây sẽ là chiến dịch tiêm vắc-xin lớn và quy mô nhất từ trước đến nay. Vì thế, ngoài các vấn đề về việc chuẩn bị cho công tác tiêm chủng an toàn mà chúng ta thực hiện từ trước đến nay cho các loại vắc-xin khác thì chúng tôi cũng nhấn mạnh hơn ở việc chuẩn bị cơ sở có thể tiếp nhận xử trí kịp thời những phản ứng bất lợi sau tiêm chủng. Trong tương lai, tùy thuộc vào mức độ, quy mô tiêm vắc-xin tại địa phương, ngành y tế tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế theo từng giai đoạn. Đặc biệt, vấn đề khám sàng lọc trước khi tiêm sẽ được tập trung và thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Ðể bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân và thông báo trung thực, đầy đủ cho y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình bao gồm cả tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng... Những trường hợp có các triệu chứng chống chỉ định, hoãn tiêm thì nhân viên y tế trực tiếp khám sàng lọc là người quyết định. Ngoài ra, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm gồm phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy các cơ sở tiêm chủng phải bố trí để bảo đảm giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm.
* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
PHAN CHUNG thực hiện