Sẵn sàng tiêm mở rộng vắc-xin Covid-19

.

Sau khi kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 được UBND thành phố phê duyệt, ngành y tế đã triển khai các hoạt động chuyên môn, sẵn sàng tiêm trên diện rộng khi nguồn vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ kịp thời. Theo kế hoạch được đưa ra trên cơ sở nguồn vắc-xin được cung ứng theo từng giai đoạn, dự kiến đến năm 2022 sẽ có hơn 500.000 người với hơn 1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm cho người dân thành phố.

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.  Ảnh: PHAN CHUNG
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG

Tập huấn kỹ, chuẩn bị đầy đủ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố vừa tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ y tế các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế xã, phường về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đây là hoạt động được triển khai ngay sau khi Bộ Y tế bổ sung nguồn vắc-xin phòng Covid-19 đợt 2 và UBND thành phố thông qua kế hoạch tiêm vắc-xin giai đoạn 2021-2022.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có điểm khác biệt so với các hoạt động tiêm chủng khác. Người được tiêm sẽ tìm hiểu và tự nguyện ký phiếu đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đồng thời cập nhật vào dữ liệu tiêm chủng quốc gia.

Đây là những cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch, đồng thời trở thành nhật ký tiêm chủng hữu ích phục vụ lâu dài cho người được tiêm.

“Vì đây là loại vắc-xin hoàn toàn mới nên an toàn trong tiêm chủng là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Việc giám sát phản ứng sau tiêm chủng để phát hiện sớm và xử trí các tai biến xảy ra góp phần làm giảm diễn biến nặng trong trường hợp có phản ứng nặng”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Trước đó, Bộ Y tế thống kê, sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, có khoảng hơn 50% số người có biểu hiện đau tại chỗ tiêm và gần 50% bị sốt, đau cơ, đau đầu. Một số triệu chứng ít gặp khác cần lưu ý như tiêu chảy/đau bụng gặp ở khoảng 10% và thường đến muộn ở ngày thứ 2 sau tiêm.

Do đó, người được tiêm chủng cần thông báo lại toàn bộ những phản ứng thông thường để giúp cơ quan quản lý có những đánh giá đúng về vắc-xin.

Theo kế hoạch của ngành y tế, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được triển khai trên diện rộng, từ các trạm y tế xã, phường cho đến các trung tâm y tế quận, huyện, các bệnh viện…

Do đó, tại tất cả các điểm tiêm chủng sẽ được tổ chức đúng quy trình như bố trí các bàn khám phân loại, bàn tiêm, bàn ghi chép, phòng theo dõi sau tiêm theo quy trình một chiều. Cơ sở tiêm chủng bắt buộc phải theo dõi tình trạng sức khỏe cho người được tiêm trong thời gian 30 phút sau tiêm và hướng dẫn theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ.

Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng phải đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế theo dõi, điều trị đến khi ổn định.

Chọn lọc những đối tượng ưu tiên

Ngày 7-4, Bộ Y tế có quyết định số 1821/QĐ-BYT về việc phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 đợt 2 cho các địa phương. Theo đó, Đà Nẵng là một trong số những địa phương được bổ sung vắc-xin lần này với 6.300 liều. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương tiếp nhận vắc-xin, bảo quản theo quy định và triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vắc-xin và hoàn thành trước ngày 15-5.

Liên qua đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lập danh sách 10 nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19. Theo đó, các nhóm đối tượng cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình hình dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam.

Cụ thể, gồm lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; nhân viên, cán bộ ngoại giao nước ngoài của Việt Nam, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập lao động ở nước ngoài; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch và các đối tượng tại cộng đồng trên địa bàn thành phố căn cứ vào mức độ phân bổ vắc-xin.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, do số lượng vắc-xin cung ứng rất ít so với nhu cầu và số lượng người quy định trong các nhóm đối tượng ưu tiên, nên khi tiếp nhận vắc-xin, ngành y tế sẽ phân bổ, chọn lọc đối với những đối tượng này.

“Hiện CDC đang gửi công văn đến các sở, ban, ngành, địa phương để lập danh sách. Sau khi danh sách gửi về, ngành y tế căn cứ trên nhu cầu, thực tế mỗi đơn vị để phân bổ vắc-xin. Giai đoạn này không phải ai nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên cũng được tiêm. Chính vì thế, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan và bỏ qua các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết, đặc biệt là tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.

Liên quan đến công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu sau khi tiếp nhận vắc-xin từ Trung ương, CDC Đà Nẵng có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn và cấp phát cho các đơn vị theo quy định.

“Sau khi tiếp nhận vắc-xin, ngành y tế tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất, sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có. Trong trường hợp cần thiết, ngành y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Nhà nước và tư nhân tham gia tiêm chủng. Đặc biệt, việc theo dõi, giám sát sau tiêm chủng và giám sát định kỳ phải được thực hiện nghiêm ngặt”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.