Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều bệnh nhân có tâm lý e ngại khi đến các cơ sở y tế. Để giải quyết nỗi lo này, ngành y tế chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19; bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà khi đến khám, điều trị.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng đo thân nhiệt cho một bệnh nhân đến khám bệnh. Ảnh: PHAN CHUNG |
Nguy kịch vì ngại đến bệnh viện
Gần đây, Bệnh viện Đà Nẵng liên tục tiếp nhận các trường hợp người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch do không được cấp cứu kịp thời. Cụ thể, trường hợp bệnh nhân L.T.C. (58 tuổi, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Bệnh nhân bị viêm phổi, có tiền sử bệnh mạch vành nhưng thời gian qua không đến bệnh viện khám, điều trị định kỳ do lo ngại diễn biến của Covid-19. Đến khi bệnh nhân khó thở, tím tái, người nhà mới đưa vào nhập viện. Các bác sĩ kịp thời cấp cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, di chứng về hô hấp vẫn còn và cần tiếp tục được theo dõi.
Ghi nhận tại khu vực chờ khám của Bệnh viện Đà Nẵng, hiện không còn cảnh chen chúc, xếp hàng chờ tới lượt như trước. Ngoài yêu cầu giãn cách và hạn chế người vào bệnh viện, tâm lý e ngại của người dân khi đến đây đã làm giảm đáng kể số lượng bệnh nhân.Đang chờ đến lượt khám, bà N.T.K.D. (52 tuổi, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chia sẻ, bất đắc dĩ mới dám đi bệnh viện vì dịch bệnh phức tạp. Bà D. bị viêm khớp, rối loạn tuần hoàn máu nên gây đau đầu, đi lại khó khăn. Mấy ngày qua, thời tiết nắng nóng khiến bà mệt hơn.
“Trong khả năng ráng được thì vẫn ở nhà vì đến bệnh viện nhiều nguy cơ. Không may bị sốt, ho, khó thở thì phải xét nghiệm SARS-CoV-2, đợi cả buổi rất mệt. Nếu phải nhập viện thì không có ai chăm sóc”, bà D. cho biết.
Theo bác sĩ Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức, tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, hiện đơn vị đang điều trị cho bệnh nhân nữ phải thở máy. Trước đó, bệnh nhân mệt, tức ngực trái nên nhập cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, ngoài ra còn xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng nhưng được đưa vào viện sớm, cấp cứu kịp thời nên hiện tại tình hình tiến triển tốt, đã cai được VA ECMO.
“Tâm lý sợ hãi Covid-19 khiến nhiều người bệnh mạn tính không dám đến bệnh viện lấy thuốc định kỳ, kiểm tra sức khỏe mà tự theo dõi tại nhà. Điều này khiến bệnh diễn biến nặng hơn, việc điều trị sẽ nhiều khó khăn, tốn kém.”, bác sĩ Bình cho biết.
Giãn cách, sàng lọc kỹ
Rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống Covid-19 năm 2020, ngành y tế triển khai kế hoạch cụ thể, trong đó yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm quy trình đón tiếp, khám, điều trị cho bệnh nhân một cách an toàn. Nhiều cơ sở y tế cắt giảm số giường, số bệnh nhân để tạo khoảng cách an toàn trong bệnh viện.
Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, với quy mô hơn 760 giường bệnh nhưng hiện nay chỉ tiếp nhận điều trị nội trú 220 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, kế hoạch kiểm soát bệnh viện được nâng cấp độ kể từ đầu tháng 5. Theo đó, hằng tuần tổ chức khử khuẩn toàn bệnh viện, tổ chức 3 đợt xét nghiệm 100% nhân viên y tế, tiêm 50% vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên.
Ngoài các kế hoạch sàng lọc, phân luồng khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế, hiện Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức điều trị, chăm nuôi toàn diện cho bệnh nhân, tuyệt đối không cho người nhà vào viện.
“Với cách làm này, áp lực đè nặng lên vai các y tá, điều dưỡng. Vì ngoài điều trị, chăm sóc theo chuyên môn, nhân viên y tế còn đảm nhận vai trò thay người thân chăm sóc, hỗ trợ vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện đặc biệt kiểm soát chặt khu vực tiếp nhận. Những bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phân luồng ngay khu vực tiếp nhận, đồng thời tiến hành xét nghiệm sàng lọc nguy cơ bằng hai phương pháp gồm test nhanh và RT-PCR”, bác sĩ Thiện cho biết.
Tương tự, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng triển khai các biện pháp cụ thể kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khu vực cổng bệnh viện, bãi giữ xe, sảnh, khu khám bệnh, thanh toán viện phí, thang máy, phòng điều trị… Đặc biệt, yêu cầu người nhà, nhân viên y tế thường xuyên rửa tay tại một số vị trí như khu đăng ký, phòng chờ khám, trước từng phòng bệnh, giường bệnh…
“Bệnh viện quán triệt mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người vào chăm bệnh, không mua, vận chuyển thức ăn từ hàng quán bên ngoài; không đi sang giường bệnh, phòng bệnh khác và những nơi không cần thiết. Thậm chí ngay cả thang máy, bệnh viện giới hạn tối đa 5 người di chuyển/lượt và khuyến khích nhân viên y tế, người nhà đi xuống nên sử dụng thang bộ”, bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết.
Trong khi đó, Bệnh viện Đà Nẵng đang gấp rút xây dựng khu tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, khu sàng lọc này rộng hơn 300m2, được thiết kế cách âm, sát khuẩn, không khí lưu thông liên tục. Khu vực này lưu thông một chiều, các bác sĩ trước khi vào khám sẽ bước qua vùng đệm, thay bảo hộ, khử khuẩn và quay ra theo một chiều.
Đối với bệnh nhân có các biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong thời gian chờ kết quả, bệnh nhân được bố trí tại khu vực chờ, được lắp đặt các thiết bị tự phục vụ nước, sữa tại chỗ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Tại cổng tiếp nhận, Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức các ê-kip thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và hướng dẫn vào các khu vực khám đối với các bệnh nhân không có triệu chứng.
“Hiện nay có tình trạng người bệnh vì tâm lý sợ hãi Covid-19 nên không dám đi khám và điều trị. Điều này rất nguy hiểm đến tình hình sức khỏe. Chính vì thế, khi có các biểu hiện không tốt về sức khỏe, hãy đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Điều quan trọng là khai báo y tế trung thực để ngăn chặn khả năng lây nhiễm nếu có”, bác sĩ Nhân nhấn mạnh.
Đối với người không có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 như sốt, ho, khó thở thì đến khám, điều trị tại các bệnh viện bình thường, trên cơ sở tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Trong trường hợp có các biểu hiện trên, nên chủ động, tự giác khai báo với nhân viên y tế để được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nguy cơ. |
PHAN CHUNG