Xử lý nghiêm việc cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng quy định

.

ĐNO - Tối 4-8, UBND thành phố có công văn về việc triển khai mẫu giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Mẫu giấy đi đường
Mẫu giấy đi đường

Theo đó, bắt đầu từ 12 giờ ngày 6-8, Đà Nẵng thống nhất sử dụng giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố. Giấy đi đường phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền mới có hiệu lực.

Thẩm quyền xác nhận giấy đi đường là thủ trưởng cơ quan, công sở Nhà nước (cấp và xác nhận đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan của mình); Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (xác nhận đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao); UBND phường, xã (xác nhận các trường hợp còn lại được phép ra ngoài theo quy định của Chỉ thị số 05/CT-UBND).

Trình tự cấp giấy đi đường đối với các nhà máy, các cơ sở sản xuất (gọi tắt là doanh nghiệp) trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, phải có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường; lập danh sách người lao động theo phương án, kịch bản phòng, chống dịch của doanh nghiệp (giảm 50% lao động và các điều kiện khác theo quy định); in và ký đóng dấu vào giấy đi đường, gửi hồ sơ về Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có trách nhiệm căn cứ vào phương án sản xuất trong giai đoạn phòng, chống dịch, xem xét xác nhận vào giấy đi đường, giao lại cho doanh nghiệp cấp cho người lao động sử dụng.

Đối với các cơ sở sản xuất ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát và cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất cho UBND các phường, xã nơi có cơ sở hoạt động sản xuất. Các cơ sở sản xuất có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường; lập danh sách người lao động theo phương án, kịch bản phòng, chống dịch của cơ sở (giảm 50% lao động và các điều kiện khác theo quy định); in và ký đóng dấu vào giấy đi đường theo danh sách, gửi hồ sơ về UBND phường, xã nơi đặt trụ sở sản xuất để xác nhận.

UBND các phường, xã trên cơ sở danh sách do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp và hồ sơ của cơ sở sản xuất, kiểm tra, ký xác nhận, đóng dấu vào giấy đi đường và giao lại cho cơ sở cấp cho người lao động sử dụng.

Đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động theo Chỉ thị số 05/CT-UBND, phải kiểm tra, rà soát và cung cấp danh sách cho UBND các phường, xã nơi có hoạt động kinh doanh dich vụ. Các cơ sở có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường; lập danh sách người lao động theo phương án hoạt động phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch; in và ký đóng dấu vào giấy đi đường theo danh sách, gửi hồ sơ về UBND phường, xã nơi đặt cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ.

UBND các phường, xã căn cứ danh sách do các sở, ngành cung cấp và hồ sơ của cơ sở để kiểm tra, ký xác nhận, đóng dấu vào giấy đi đường và gửi lại cho các cơ sở cấp cho người lao động sử dụng.

Đối với hộ kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động theo Chỉ thị số 05/CT-UBND, chủ các hộ kinh doanh gửi danh sách người làm việc thường xuyên về UBND phường, xã để được kiểm tra, xác nhận và cấp giấy đi đường.

Đối với các chợ, Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan thường xuyên, trực tiếp đến hoạt động trong chợ theo phương án giãn, giảm quầy hàng theo quy định; có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường; in và ký đóng dấu vào giấy đi đường theo danh sách, gửi hồ sơ về UBND phường, xã.

UBND các phường, xã trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, kiểm tra, xác nhận, đóng dấu vào giấy đi đường và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương sử dụng.

Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong thời gian tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị số 05/CT-UBND, phải có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường cho nhân viên trực bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị; in, ký, đóng dấu vào giấy đi đường, gửi về UBND phường, xã để được kiểm tra, ký xác nhận, đóng dấu vào giấy đi đường và giao lại cho đơn vị.

Đối với các trường hợp cấp thiết khác, giao UBND phường, xã chủ động kiểm tra, xác nhận và cấp giấy đi đường theo quy định. Các trường hợp cấp thiết phải ra, vào thành phố do Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân được phép hoạt động và ra ngoài trong thời gian giãn cách xã hội chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng đối tượng, mục đích theo quy định.

Các cơ quan có thẩm quyền xác nhận giấy đi đường theo đúng quy định; đồng thời hướng dẫn cụ thể, thông báo để các doanh nghiệp, người dân trong quá trình xác nhận phải bảo đảm giãn cách, không được tập trung đông người theo đúng quy định phòng, chống Covid-19 cũng như tạo thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp, người dân.

UBND các quận, huyện; Công an thành phố kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng quy định.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.