Y tế - Sức khỏe
Chủ động phòng, chống cúm mùa
Thời tiết chuyển mùa là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, trong đó thường gặp nhất là cảm cúm. Cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa đến tính mạng con người.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng khám, điều trị bệnh nhân mắc bệnh hô hấp. Ảnh: PHAN CHUNG |
Hiện nay Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời do các triệu chứng của cúm và Covid-19 về cơ bản giống nhau, nếu tùy tiện điều trị sẽ rất nguy hiểm.
Thời gian qua, Bệnh viện Đà Nẵng liên tục tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân mắc cảm cúm trở nặng. Bệnh nhân T.V.D (60 tuổi, trú quận Thanh Khê) được người nhà đưa đến nhập viện điều trị trong trạng thái sốt, ho, sổ mũi, đau nhức toàn thân kéo dài. Nghĩ là cảm cúm thông thường, người nhà mua thuốc cho bệnh nhân uống, nhưng tình trạng không giảm sau 10 ngày điều trị. Khi nhập viện, bệnh nhân mệt mỏi kéo dài, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Các bác sĩ chỉ định xét nghiệm và khẳng định bệnh nhân mắc cúm A (H1N1).
Tương tự, bệnh nhân N.Q.A (40 tuổi, trú quận Sơn Trà), vừa mắc Covid-19 và được điều trị khỏi cách đây 2 tuần cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Các triệu chứng rất giống Covid-19 nhưng nó kéo dài, người khi nào cũng uể oải, mệt mỏi và đặc biệt ho rất nhiều. Dù đã uống các loại thuốc cảm, xông hơi đủ kiểu nhưng vẫn không hết, mình lo lắng quá liền nhập viện. Các bác sĩ bảo bị cúm trên nền cơ thể chưa hồi phục do mắc Covid-19”, bệnh nhân A. chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Thời tiết giao mùa, nhiều mưa, lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường hoặc tập trung đông người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan.
Bác sĩ Trương Thị Hoa, Phó trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các triệu chứng của cúm mùa và cảm cúm thông thường rất giống nhau như sốt, ho, sổ mũi, đau nhức cơ thể. Đặc biệt, hiện nay Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, rất nhiều người ngộ nhận các bệnh viêm đường hô hấp trên gồm cảm thông thường, cúm mùa và Covid-19 là giống nhau.
Điều này hết sức nguy hiểm, nếu tùy tiện dùng thuốc uống theo nhận định của bản thân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi mắc cùm mùa chính là trẻ em và người hơn 65 tuổi, người mắc các bệnh lý nền có sẵn. Đề kháng cơ thể yếu sẽ làm virus dễ xâm nhập, gia tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, hen, tổn thương tim, viêm cơ tim, thậm chí tử vong.
“Để phòng, chống bệnh cùm mùa, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Cần tiêm vắc-xin cúm mùa hằng năm để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, chủ động sử dụng khẩu trang y tế trong những trường hợp cần thiết. Đặc biệt, người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời”, bác sĩ Hoa khuyến cáo.
PHAN CHUNG