Y tế - Sức khỏe
Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Ngành y tế nhấn mạnh, dịch SXH đã bùng phát trên địa bàn thành phố, đề nghị toàn thể các cấp, ngành, địa phương và người dân cùng chung tay phòng, chống dịch. Theo khuyến cáo, số ca mắc SXH thời gian gần đây dễ trở nặng, thậm chí đã có trường hợp tử vong, người dân tuyệt đối không chủ quan, cần tự giác, chủ động trong phòng, chữa bệnh.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Người dân còn chủ quan, thiếu hợp tác
Sáng 29-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc với UBND quận Thanh Khê và các phường trên địa bàn quận về công tác phòng, chống SXH. Làm việc với UBND phường Hòa Khê, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, về cơ bản, các chủ trương, chính sách về phòng, chống SXH do UBND thành phố, ngành y tế ban hành đều được các địa phương triển khai.
Tuy nhiên trên thực tế, tình hình dịch SXH vẫn liên tục gia tăng, bùng phát. “Đề nghị các đơn vị, địa phương tìm được mấu chốt vấn đề, đặc biệt là công tác liên thông, phối hợp trong phòng, chống dịch SXH. Hiện nay có tình trạng thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, thiếu hợp tác từ người dân. Điều này làm giảm tính hiệu quả trong phòng, chống dịch, mặc dù các biện pháp đều triển khai thực hiện đầy đủ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, bà Tăng Thị Kim Yến, cộng tác viên dân số - y tế khu vực tổ dân phố 31, 32 và 33, phường Hòa Khê cho rằng, rào cản lớn nhất trong phòng, chống SXH hiện nay chính là thiếu sự hợp tác của người dân.
“Chúng tôi có nhiệm vụ đi tuyên truyền, nhắc nhở, nhất là loại bỏ, lật úp các vật dụng chứa nước để hạn chế lăng quăng, bọ gậy. Mình trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, làm mẫu nhưng hôm sau lại đâu vào đấy. Chưa kể, khi tổ chức phun hóa chất, nhiều gia đình đóng kín cửa không hợp tác, thậm chí xua đuổi, ngăn cản. Điều này khiến hiệu quả phòng, chống dịch từ cơ sở bị giảm sút”, bà Yến cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công, mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển, các ca bệnh liên tục gia tăng cùng với việc các ổ dịch không được xử lý kịp thời, khiến nguy cơ bùng phát dịch SXH có thể xảy ra. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, quận Thanh Khê ghi nhận 1.424 ca mắc SXH, tăng hơn 15,3 lần so với cùng kỳ 2021.
Thời gian qua, UBND quận tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình, công sở, trường học, nơi công cộng. Chỉ đạo UBND các phường, phòng Y tế xử lý kịp thời các ổ dịch xuất hiện trong khu dân cư, trong đó chủ động tăng tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất xử lý ổ dịch nhỏ.
“Theo đánh giá, phần lớn các hộ gia đình, công sở, nơi sinh hoạt công cộng đều có đủ kiến thức về phòng, chống SXH nhưng vẫn còn chủ quan trong hành động, nhất là những hành động nhỏ, thường xuyên hằng ngày như kiểm tra, lật úp các dụng cụ chứa nước. Bên cạnh đó, mặc dù đã được thông báo trước nhưng không thể phun hóa chất 100% hộ gia đình vì nhiều nhà đóng cửa đi làm, thậm chí phản đối”, ông Công cho biết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến (bìa trái) kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: PHAN CHUNG |
Vào cuộc dập dịch sớm nhất
Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, theo các số liệu cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, dịch SXH đã bùng phát. Các đơn vị, địa phương cần vào cuộc dập dịch sớm nhất có thể.
Theo báo cáo, trong 1 tuần (từ 21 đến 27-11) trên địa bàn thành phố ghi nhận 671 ca mắc SXH, tập trung ở các địa phương: Thanh Khê (110 ca), Hòa Vang (115 ca), Liên Chiểu (117 ca), Ngũ Hành Sơn (99 ca), Hải Châu (81 ca), Cẩm Lệ (83 ca), Sơn Trà (66 ca). Có 26 ổ dịch nhỏ được phát hiện trong tuần, tập trung nhiều nhất ở Ngũ Hành Sơn (9 ổ dịch), Hòa Vang (8 ổ dịch) và Cẩm Lệ (6 ổ dịch).
Để chủ động hơn trong trong phòng, chống SXH, lãnh đạo ngành y tế đề nghị cần tổ chức ngay chiến dịch truyền thông quy mô lớn trên toàn địa bàn thành phố. Sau chiến dịch truyền thông, cần triển khai ngay việc đồng loạt ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy và duy trì hằng tuần, có kiểm tra, giám sát báo cáo. Thiết lập, phát huy hiệu quả tổ xung kích diệt lăng quăng, bọ gậy tại các xã, phường với sự tham gia của nhân viên y tế, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, cộng tác viên dân số - y tế.
“Đề nghị chính quyền địa phương thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND thành phố, trong đó tập trung vào các vấn đề chính trên địa bàn khu vực có nguy cơ cao cần được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tuần/lần; hộ gia đình tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 2 lần/tuần; các hộ gia đình tại các khu vực còn lại được kiếm ra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tháng/lần”, bác sĩ Trình cho biết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh vai trò, tính hiệu quả của công tác liên thông, phối hợp giữa các đơn vị, địa phương và người dân trong phòng, chống dịch SXH. Trong đó, tổ chức chiến dịch truyền thông và tiến hành dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất hiện nay.
“Các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quảng bọ gậy cần được triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Đề nghị các trường học, quản lý các cơ sở, khu vực, địa điểm trên địa bàn phối hợp tổ chức vệ sinh môi trường. Tăng cường xử phạt các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cố tình không hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong phòng, chống dịch SXH. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, đoàn thể cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống SXH; chủ động thường xuyên thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và nơi cư trú, trong cộng đồng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu.
Một bệnh nhân tử vong sau 5 ngày mắc bệnh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố vừa có báo cáo về một bệnh nhân tử vong do SXH. Đó là trường hợp bệnh nhân N.D.M.T (sinh 2003, trú tổ 33, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê). Theo thông tin người nhà cung cấp, bệnh nhân sốt từ ngày 30-10 sau đó tự mua thuốc hạ sốt uống, không đi khám bệnh. 3 ngày sau bệnh nhân giảm sốt nhưng bắt đầu mệt, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, nôn mửa nhiều lần. 5 giờ sáng ngày 3-11, bệnh nhân nôn nhiều lần kèm chóng mặt, vã mồ hôi nên được người nhà chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Sau khi xử trí cấp cứu, hồi sức tích cực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đánh giá bệnh nhân bị SXH ngày 5, sốc, tiên lượng rất nặng nên chuyển Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân được hội chẩn khẩn, truyền dịch, hồi sức tim, phổi và các biện pháp điều trị khác. Tuy nhiên, đến 11 giờ 40 ngày 3-11, bệnh nhân tử vong. Bệnh viện Đà Nẵng chẩn đoán bệnh nhân tử vong do SXH Dengue mức độ nặng giai đoạn nguy hiểm gây biến chứng sốc SXH, suy đa tạng, hôn mê, ngừng tuần hoàn hô hấp. |
PHAN CHUNG