Y tế - Sức khỏe

Tháo gỡ cơ chế mua sắm, cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng

08:44, 03/06/2023 (GMT+7)

Trước phản ánh của nhiều địa phương trong việc khó khăn mua sắm, thiếu hụt vắc-xin tiêm chủng mở rộng, ngày 1-6, Bộ Y tế đã có một số kiến nghị gửi Chính phủ liên quan vấn đề này. Một số cơ chế mua vắc-xin cần có sự thay đổi do vướng các quy định liên quan, Bộ Y tế không thể đấu thầu cho các địa phương nếu không thực hiện ủy quyền.

Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG
Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG

Liên quan đến tình hình vắc-xin trong Chương trình TCMR, thời gian qua Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trên cả nước báo cáo khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện mua sắm vắc-xin trong Chương trình TCMR. Các vướng mắc chủ yếu tập trung vào việc mua sắm như việc bố trí kinh phí của địa phương; việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện… đồng thời đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR. Tuy nhiên, theo quy định khi kết thúc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và chuyển về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương thì trách nhiệm địa phương phải thực hiện từ năm 2023.

Năm 2023, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, trong đó có đề nghị bố trí 485 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc-xin TCMR nhưng không được bố trí ngân sách do vướng các quy định của Chính phủ. Hầu hết các vắc-xin sử dụng trong Chương trình TCMR hiện nay được sản xuất trong nước, bao gồm: phòng bệnh lao (BCG), uốn ván, bạch hầu-uốn ván (Td), DPT, viêm gan B, viêm não Nhật Bản; vắc-xin bại liệt uống (bOPV), sởi; sởi-rubella. Có 2 loại vắc-xin nhập khẩu từ nước ngoài là vắc-xin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và vắc-xin bại liệt tiêm (IPV).

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của Covid-19, việc cung ứng vắc-xin đã bị ảnh hưởng dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vắc-xin cục bộ tại một số địa phương. Đối với các vắc-xin sản xuất trong nước, Chương trình TCMR đã cung ứng đủ số lượng vắc-xin gối đầu đến tháng 7 năm 2023. Vắc-xin nhập khẩu “5 trong 1” bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2-2023 do năm 2022 dù đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vắc-xin theo quy định tuy nhiên đã không có nhà thầu tham gia.

Bộ Y tế nêu rõ, với các quy định hiện nay, đơn vị không thể đấu thầu các loại vắc-xin sản xuất trong nước cho các địa phương. Để mua theo phương thức đặt hàng, các địa phương đăng ký nhu cầu, thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ căn cứ vào số lượng, nhu cầu, thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí; tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định; các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện phương thức đặt hàng này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP và Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, việc sửa các nghị định sẽ mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất phương án hai là ban hành nghị quyết của Chính phủ, cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vắc-xin sản xuất trong nước trong Chương trình TCMR. Đối với vắc-xin nhập khẩu, hiện có 3 loại là vắc-xin bại liệt, virus Rota và vắc-xin 5 trong 1, Bộ Y tế đề xuất phương án mua theo hình thức đàm phán giá sau khi thông báo cho địa phương đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu.

Liên quan đến hoạt động TCMR tại Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện tiếp tục triển khai các hoạt động tiêm chủng. Các loại vắc-xin đã hết, các đơn vị, địa phương tổ chức thống kê, lập danh sách để tiêm bù, tiêm vét khi nguồn vắc-xin được cung ứng. Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, dưới góc độ chuyên môn, vắc-xin TCMR chính là hàng rào bảo vệ cho người dân, nhất là trẻ em. Việc TCMR bị gián đoạn do thiếu hụt nguồn vắc-xin là lỗ hổng trong công tác dự phòng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tạo thời cơ cho các bệnh nguy hiểm bùng phát.

“Trong giai đoạn hiện nay, ngành y tế vẫn tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về lợi ích và hiệu quả của việc tiêm chủng nhằm khuyến khích, hướng dẫn người dân tích cực tham gia tiêm chủng, bảo vệ bản thân và cộng đồng, phòng chống dịch bệnh”, bác sĩ Thủy cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, trong công văn gửi Bộ Y tế về công tác mua sắm, cung ứng vắc-xin trong TCMR, địa phương có nêu rõ một số khó khăn trong việc bố trí kinh phí mua vắc-xin theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 14-8-2022 về lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong TCMR giai đoạn 2021-2030. Đà Nẵng là địa phương có di biến động dân cư lớn, số lượng người từ các tỉnh, thành khác về thành phố sinh sống, làm việc, khám chữa bệnh rất nhiều. Việc sử dụng ngân sách thành phố để chi trả cho các đối tượng được tiêm chủng từ các tỉnh, thành phố khác khi thực hiện tiêm chủng tại địa phương hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Mặt khác, việc di biến động không ổn định, nên việc lập dự trù cũng rất khó khăn và chắc chắn không bảo đảm tính chính xác.

“Trong công văn gửi Bộ Y tế, UBND thành phố đề nghị Bộ Y tế là đơn vị chủ trì mua sắm, cung ứng vắc-xin trong Chương trình TCMR năm 2023, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong hoạt động tiêm chủng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

.