Y tế - Sức khỏe
5 dịch bệnh nguy hiểm từ thế kỷ 19 quay trở lại ở phương Tây
Bệnh phong xuất hiện ở Florida, mối đe dọa hàng chục nghìn ca mắc bệnh sởi ở London và bệnh giang mai gia tăng từ 50% trở lên ở Ireland và Bồ Đào Nha.
Một số dịch bệnh chết chóc từ thế kỷ 18-19 vốn đã bị xóa sổ đang quay trở lại. Ảnh: Mirror |
Đó không phải là đoạn trích từ một cuốn tiểu thuyết thời Nữ hoàng Victoria mà là một tấm hình chụp nhanh về thế giới phương Tây vào năm 2023.
Theo tờ Politico, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm, những thay đổi trong hành vi và thói quen ăn uống - và tất nhiên là cả biến đổi khí hậu - đã góp phần tạo nên một cơn bão hoàn hảo nơi những căn bệnh nguy hiểm, được cho là chỉ có trong thời đại đã xưa, quay trở lại tại chính những quốc gia mà trước đây đã xóa sổ được chúng.
Thêm vào đó, vi khuẩn ngày càng trở nên kháng thuốc kháng sinh của chúng ta, nghĩa là một trong những loại dược phẩm cách mạng nhất trong 100 năm qua hiện đang bị đe dọa.
Trong khi các quốc gia giàu có đã có thể loại bỏ nhiều dịch bệnh của các thế kỷ trước thông qua các chiến dịch tiêm chủng phối hợp, tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng và triển khai các loại thuốc hiện đại hiệu quả, nhưng thế kỷ 21 vẫn chứng kiến sự đảo ngược của nhiều thành quả lớn. Sau cơn sóng thần đại dịch COVID-19 và "kỷ nguyên sôi sục toàn cầu", các hệ thống y tế đang gặp khó khăn trong việc giải quyết một số căn bệnh lâu đời nhất.
Dưới đây là năm căn bệnh đã quay trở lại:
Bệnh sởi
Sởi là một trong những bệnh dễ lây lan nhất ở người và thường xảy ra thành dịch hai đến ba năm một lần, từng khiến hơn 2 triệu người tử vong. Nhưng tất cả đã thay đổi khi người được gọi là cha đẻ của vaccine hiện đại, John Franklin Enders, phát triển được vaccine phòng sởi. Mũi vaccine sởi đầu tiên được cấp phép sử dụng vào năm 1963 và sau đó là các chiến dịch tiêm chủng rộng rãi. Nhưng vì căn bệnh này rất dễ lây nhiễm nên khả năng miễn dịch trong cộng đồng cần phải thực sự cao — ở mức 95% - để ngăn chặn bệnh lây lan.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em trong thế kỷ 20. |
Ngày nay, tỉ lệ đó không đạt được và kết quả là dịch bệnh bùng phát khắp châu Âu. Trong những năm gần đây, Anh, Hy Lạp, Cộng hòa Séc và Albania đã để bệnh sởi quay trở lại. Chỉ hai tháng vào năm 2023, đã có 900 ca mắc sởi ở khu vực châu Âu - vượt quá tổng số từ năm 2022.
Hà Lan đã cảnh báo rằng việc giảm tỷ lệ tiêm chủng bao phủ ở nước này có nghĩa là bệnh sởi có nhiều khả năng bùng phát trở lại. Tại London, Cơ quan An ninh Y tế cho biết vào tháng 7 rằng thủ đô London đã sẵn sàng đối phó hàng chục nghìn ca mắc sở do mức độ tiêm chủng thấp trong nhiều năm.
Ông Andrew Pollard, giám đốc Nhóm vaccine Oxford, cho biết dữ liệu từ London vẽ nên “một bức tranh đáng buồn". “Chúng ta không được đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của thông điệp này", ông nói.
Bệnh giang mai
Giang mai là bệnh do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục, có thể được điều trị bằng penicillin nếu được phát hiện sớm. Nếu không, nó sẽ tiến triển theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu là vết loét không đau, giai đoạn thứ hai là phát ban kèm theo các triệu chứng khác như sốt hoặc mệt mỏi và giai đoạn thứ ba là giai đoạn tiềm ẩn khi vi khuẩn tồn tại trong cơ thể nhưng không gây ra vấn đề gì. Giai đoạn cuối cùng có thể xảy ra hàng chục năm sau lần nhiễm khuẩn đầu tiên và có thể phá hoại các cơ quan cơ thể và dẫn đến tử vong.
Vào cuối thế kỷ 18, ước tính cứ 5 người ở London thì có 1 người mắc bệnh giang mai vào giữa độ tuổi 30. Giờ đây, Cơ quan An ninh Y tế của Anh đang chứng kiến sự gia tăng đột biến trở lại, với số ca mắc bệnh vào năm 2022 - 8.692 ca - là con số hàng năm lớn nhất kể từ năm 1948.
Một cuộc khảo sát từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu cho thấy các ca mắc giang mai trên khắp EU và EEA đang có xu hướng tăng. Ảnh: AFP/Getty Images
Và không chỉ ở Anh. Cuộc khảo sát dịch tễ học hàng năm gần đây nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu cho thấy các ca mắc giang mai trên khắp EU và EEA đang có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ cao nhất trong năm 2019 là ở Malta, tiếp theo là Ireland.
Các cuộc gặp gỡ tình dục đang dễ dàng hơn bao giờ hết với các ứng dụng hẹn hò và sự trỗi dậy của chemsex (sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục). Đó là những yếu tố dẫn đến gia tăng ca mắc bệnh. Ngoài ra, việc cắt giảm chi cho các dịch vụ sức khỏe tình dục - như cắt giảm 1 tỷ bảng ở Anh - cũng được cho là góp phần dẫn đến sự gia tăng này.
Bệnh gút (gout)
"Căn bệnh của người giàu" đã quay trở lại và lần này, không chỉ người giàu có bị ảnh hưởng.
Bệnh gút là một loại viêm khớp gây đau đớn khi các tinh thể nhỏ hình thành xung quanh khớp, thường là ngón chân cái. Các ca mắc đang gia tăng trên khắp thế giới, trong đó Mỹ và Canada có mức tăng cao nhất về ước tính tỷ lệ mắc bệnh gút từ năm 1990 đến 2017.
Tỉ lệ béo phì tăng cao là một trong những yếu tố khiến người mắc bệnh gút gia tăng. |
Các yếu tố nguy cơ của bệnh gút bao gồm nam giới, béo phì, có vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao và tiểu đường và ăn thực phẩm giàu đường fructose. Nguy cơ mắc bệnh cũng tăng theo mức tiêu thụ rượu.
Với tỷ lệ béo phì ở Mỹ và châu Âu không có dấu hiệu chậm lại, có vẻ như "căn bệnh người giàu" sẽ không sớm biến mất.
Bệnh phong
Căn bệnh ngoài da nghiêm trọng do một loại vi khuẩn gây ra dẫn đến tổn thương thần kinh và mất cảm giác ở da, mắt và mũi là điều mà ít người đang sống ở phương Tây từng chứng kiến, cho đến bây giờ.
Một báo cáo về các ca mắc bệnh được ghi nhận đã chỉ ra rằng bệnh phong có thể đã trở thành bệnh đặc hữu ở Florida, Mỹ. Số trường hợp được báo cáo đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua ở các bang phía đông nam Mỹ. Lối sống không lành mạnh bị đổ lỗi cho sự gia tăng này, nhưng các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng quản lý kém.
Trong lịch sử, chính sách phòng chống bệnh phong là đưa người mắc bệnh đến các hòn đảo cách ly xa xôi. Còn bây giờ, bệnh có thể được chữa khỏi sau nhiều tháng điều trị bằng nhiều loại thuốc và việc phát hiện sớm có thể tránh được tàn tật.
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Âu. Ảnh: Politico |
Bệnh sốt rét
Sốt rét không phải lúc nào cũng là căn bệnh chỉ xảy ra ở các vùng nhiệt đới ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Nhiều ca bệnh đã được phát hiện ở các khu vực đầm lầy của Paris, dọc theo sông Thames của London, hay vùng Sardinia của Italy, với tỉ lệ 300 ca tử vong trên 100.000 dân vào cuối những năm 1800.
Nhưng châu Âu đã thành công trong việc loại bỏ bệnh sốt rét thông qua một chương trình khổng lồ sau Thế chiến thứ hai, với các hoạt động như phun thuốc diệt côn trùng, tháo cạn đầm lầy và điều trị bằng thuốc.
Mặc dù bệnh sốt rét vẫn chưa quay trở lại hoàn toàn trong khu vực - ngoại trừ một số ca lây truyền tại địa phương — thì sự gia tăng của các bệnh do muỗi truyền khác như sốt xuất huyết và bệnh sốt Tây sông Nile nên được coi là một dấu hiệu cảnh báo nhanh.
Bên kia Đại Tây Dương, vào tháng 6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng đưa ra cảnh báo về một số trường hợp mắc bệnh sốt rét tại địa phương.
Người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, lao và sốt rét Peter Sands cho biết với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng trong khu vực, châu Âu “rất có thể chứng kiến bệnh sốt rét quay trở lại”.
Theo Baotintuc.vn