Y tế - Sức khỏe

Phòng, chống bệnh lúc chuyển mùa

11:51, 22/11/2023 (GMT+7)

Thời tiết chuyển mùa, kết hợp mưa nhiều, độ ẩm cao là thời điểm thích hợp để bùng phát các bệnh về hô hấp và bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, sốt xuất huyết. UBND thành phố yêu cầu ngành y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, khuyến cáo và bảo vệ đối với những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người già, trẻ em.

Bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Gia tăng bệnh về hô hấp

Trong những ngày qua, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp. Tại Khoa Nội hô hấp - miễn dịch, dị ứng, số bệnh nhân nhập viện điều trị cao gấp 3-4 lần so với bình thường. Tình trạng này xảy ra từ hơn 1 tuần qua, sau khi thời tiết tại Đà Nẵng mưa và trở lạnh. Bệnh nhân Nguyễn Thị Khanh (65 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị trong trạng thái ho kéo dài, khó thở, có đờm đặc, được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm hô hấp cấp phải nhập viện điều trị.

“Tôi điều trị được 5 ngày, các triệu chứng có dấu hiệu đỡ nhưng vẫn chưa khỏi hẳn nên các bác sĩ chưa cho xuất viện”, bà Khanh cho biết. Ở giường bên cạnh, bệnh nhân Lê Thị Giang (61 tuổi, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ra Đà Nẵng điều trị cũng đã được 4 hôm. Để thuận tiện cho việc chăm sóc, người thân bệnh nhân túc trực thường xuyên để hỗ trợ bệnh nhân khi cần. Tuy nhiên, do số bệnh nhân nhập viện tăng nên người nhà phải tìm các chỗ trống trong bệnh viện tại các khu vực hành lang để nghỉ ngơi, riêng các giường bệnh thì đã kín người nằm.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Tâm, Phó trưởng Khoa Nội hô hấp, miễn dịch, dị ứng, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận, điều trị khoảng 50-60 bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp, cao hơn nhiều so với mức trung bình trước đây chỉ khoảng 15-20 bệnh nhân/ngày. “Nguyên nhân do thời tiết thay đổi, chuyển lạnh, kèm mưa khiến các loại siêu vi phát triển, những bệnh nhân lớn tuổi sức đề kháng kém hoặc có các bệnh nền sẵn như lao phổi, hen phế quản, suy hô hấp rất dễ bị tổn thương, nhiễm bệnh”, bác sĩ Tâm cho biết.

Để giảm tải, Bệnh viện Đà Nẵng cũng chủ động phân loại bệnh để chuyển về các khoa, phòng khác điều trị phù hợp với bệnh lý, đồng thời kê thêm giường, sử dụng thêm các khu vực bệnh viện chưa sử dụng, khai thác hết để phục vụ công tác điều trị. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để chủ động phòng bệnh, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin, mặc ấm khi ra đường, tránh gió, thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, trong những ngày qua, trẻ đến khám, điều trị nội trú liên quan các bệnh về hô hấp tăng đột biến. Nguyên nhân, theo bác sĩ Dũng là do thời tiết thay đổi đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và các bệnh dị ứng phát sinh.

Đặc biệt là các bệnh như ho, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản thường xuất hiện ở trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và thường mẫn cảm với những sự thay đổi bên ngoài môi trường sống. “Phụ huynh cần chủ động bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây dị ứng như bụi mịn, lông thú nuôi, phấn hoa, cỏ dại… Đồng thời, để không ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của trẻ, phụ huynh chăm sóc sức khỏe, giữ ấm, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt cần khám, điều trị bệnh cho con em theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không nên tùy tiện mua thuốc không có kê đơn để cho con em mình uống”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Ngoài các bệnh về hô hấp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sốt xuất huyết (SXH). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 160 ca mắc SXH, tập trung ở một số địa phương như Thanh Khê (42 ca), Sơn Trà (27 ca), Liên Chiểu, Hòa Vang (21 ca)… Nhiều ổ dịch nhỏ được giám sát, phát hiện và xử lý tại các khu dân cư như Cẩm Lệ (4 ổ dịch), Liên Chiểu (4 ổ dịch), Sơn Trà (4 ổ dịch). Ngoài ra, các bệnh khác như tay chân miệng, sởi, đau mắt đỏ, thủy đậu… vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, đơn vị đã cử cán bộ giám sát hỗ trợ xử lý ca đơn lẻ và ổ dịch nhỏ kết hợp giám sát chương trình tiêm chủng mở rộng tại các quận, huyện. Đối với SXH, CDC Đà Nẵng đã có công văn gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện và các đơn vị khám, chữa bệnh về việc tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh.

“Cần tăng cường giám sát, phân tích, đánh giá tình hình tại các địa phương, giám sát xử lý ca đơn lẻ, đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tay chân miệng, đau mắt đỏ, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, đậu mùa khỉ”, bác sĩ Hóa cho biết.

UBND thành phố cũng đã có công văn yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống SXH, trong đó tăng cường công tác giám sát, xử lý ca bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch, các khu vực, cơ quan, đơn vị có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế. UBND các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, giám sát công tác diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng khác tại địa phương tích cực ra quân dọn bỏ các vật dụng phế thải như lốp xe, vỏ lon, hộp nhựa, chum vại, chậu, thùng nhựa vỡ... đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa, thả cá để cá ăn lăng quăng, bọ gậy, khơi thông cống rãnh, hố nước tù, đọng. Có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở, đơn vị, cá nhân bọ gậy để phòng, chống dịch bệnh.

PHAN CHUNG

.