Đà Nẵng cuối tuần
Lắng nghe con trẻ
Trong quá trình phát triển tâm lý, cảm xúc của trẻ dần hình thành hoàn chỉnh từ cuối giai đoạn lứa tuổi tiểu học và phát triển rõ nét khi chuyển qua tuổi trung học đến phổ thông. Giai đoạn này, nếu trẻ gặp sang chấn tâm lý sẽ có nguy cơ gây ra bệnh trầm cảm. Vì vậy, ba mẹ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh giúp trẻ can thiệp điều trị sớm và đúng cách.
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân khám bệnh cho em có biểu hiện trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: H.T.V |
Cần nhận biết sớm
Đến Bệnh viện Tầm thần Đà Nẵng vào một ngày cận kề cuối tuần nhưng có khá đông bệnh nhân thăm khám từ cụ già, người lớn đến trẻ em độ chừng vài tuổi. Tại phòng khám bệnh Khoa Tâm thần trẻ em, hầu như đều có phụ huynh đi cùng con, các bé nhỏ thì mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, lớn hơn đa số bị đau đầu, trầm cảm. Tôi trò chuyện với chị L.T.T. đang chăm sóc con gái là N.T.H.N. Chị T cho hay, N. năm nay học lớp 6, có biểu hiện trầm cảm như mất ngủ, mệt mỏi và không muốn đi học từ 2 tháng trước. Qua quá trình điều trị, N. dần ổn định hơn về tâm lý.
Để hiểu rõ trường hợp của N., tôi tìm gặp bác sĩ CKII Trần Thị Hải Vân, nguyên Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, người trực tiếp điều trị cho N. Bác sĩ Vân kể, ba mẹ ly hôn từ khi N. còn nhỏ. N. sống với mẹ, được mẹ yêu thương, bảo bọc nhưng mẹ luôn đặt niềm kỳ vọng rất lớn vào N. Điều này, vô hình chung làm N. mất tự tin và dần thu hẹp bản thân. Chính vì thu mình nên N. thường xuyên bị các bạn trên lớp trêu chọc. Đặc biệt, nhóm bạn nữ không muốn chơi với N. vì N. không bao giờ tham gia vào các hoạt động chung. N. bắt đầu cô độc trong lớp và ngay cả khi ở nhà. 2 tháng trước, N. bị đe dọa và nói xấu trên mạng xã hội. Từ đó, N. không muốn đi học, trở nên cáu gắt, có hành vi chống đối và rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài. Lúc này, mẹ N. dần nhận ra con có dấu hiệu bị trầm cảm nên đưa đi khám.
“N. chẩn đoán bị trầm cảm nhẹ và được can thiệp bằng thuốc chống trầm cảm và kết hợp tâm lý trị liệu. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích N. tích cực tham gia các hoạt động tập thể cùng bạn bè bởi nó sẽ giúp N. năng động, vui vẻ và học thêm các kỹ năng giải quyết vấn đề để tự tin hơn. Sau 2 tháng điều trị, N. ổn định cả về cảm xúc lẫn hành vi. N. đã đến lớp đều đặn và có niềm vui trong học tập. Hiện nay, N. vẫn tiếp tục được can thiệp để đạt hiệu quả cao nhất”, bác sĩ Vân thông tin.
Tương tự N., tâm trạng em T.K.M (11 tuổi) lúc nào cũng buồn bã, chán nản, kém tập trung dẫn đến không hứng thú với việc học. Anh T.H.T, phụ huynh M. cho biết, hơn 1 tháng trước, gia đình đưa M. đi khám và được chuẩn đoán trầm cảm giai đoạn đầu.
“Từ nhỏ, M. là đứa trẻ ít nói, trầm tính nên hầu như không có bạn bè. Cộng thêm thay đổi môi trường sống khi gia đình chuyển sang nơi ở mới, trường mới và xảy ra một số chuyện không vui nên M. chưa kịp thích nghi, tâm lý ít nhiều bị ảnh hưởng. Rất may, vợ chồng tôi nhận ra M. có những biểu hiện trầm cảm nên đưa đi khám. Đến nay, trải qua 6 tháng điều trị bằng thuốc và kết hợp chữa trị tâm lý, M. đã khỏe hơn, vui hơn khi đến trường. Vợ chồng tôi rất mừng”, anh T. bày tỏ.
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân chia sẻ, bệnh trầm cảm có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường rơi vào thời điểm 10 tuổi trở lên. Với trẻ là nữ sau khi chuyển qua giai đoạn dậy thì, thay đổi nội tiết cũng tác động đến sự xuất hiện bệnh trầm cảm. Trước giai đoạn dậy thì, tỷ lệ trầm cảm của nam và nữ giống nhau, nhưng sau giai đoạn dậy thì tỷ lệ trầm cảm nữ cao gấp 4 lần nam. Nguyên nhân chủ yếu trẻ gặp sự cố sang chấn tâm lý như xung đột gia đình, các hành vi bạo lực hay thiếu sự quan tâm của ba mẹ… sẽ khiến trẻ mất niềm tin bản thân và những người xung quanh. Đó là điều kiện để bệnh trầm cảm phát triển, các biểu hiện bệnh có xu hướng trầm trọng hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, yếu tố khởi phát bệnh trầm cảm độ tuổi này là vấn nạn bạo lực học đường, bị cô lập hoặc bị tấn công, nói xấu trên các trang mạng xã hội. Lúc này, trẻ hoàn toàn không có kỹ năng vượt qua khó khăn nên dễ bị tổn thương, dẫn đến mắc bệnh trầm cảm lúc nào không hay. Ba mẹ thường xuyên áp đặt trẻ, lơ là cũng dễ gây trầm cảm cho con. Đặc biệt, trẻ tiếp cận các trang mạng xã hội không lành mạnh chia sẻ các hành vi tự hủy hoại, làm cho tình trạng trầm cảm của lứa tuổi học sinh trở nên nặng nề thêm.
“Bệnh trầm cảm là bệnh có thể điều trị khỏi và phòng chống tái phát. Tuy nhiên phụ huynh không nên chủ quan bởi nếu không can thiệp kịp thời thì dẫn đến hệ lụy khó lường. Vì vậy, để giúp trẻ vượt qua trầm cảm trong lứa tuổi nhạy cảm này thì vai trò của ba mẹ rất quan trọng. Bản thân trẻ đôi khi khó nhận biết đang bị trầm cảm. Nhất là khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, đối mặt những thay đổi cả bên trong và bên ngoài. Với sự quan tâm và chia sẻ cùng trẻ, ba mẹ dễ dàng nhận biết sớm triệu chứng để đưa đi thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Vân nói.
Dùng thuốc và chữa trị tâm lý
Khi bị trầm cảm, trẻ có một số biểu hiện giống trầm cảm ở người lớn như mất ngủ, giảm hứng thú… Tuy nhiên, có một số điểm phụ huynh cần lưu ý như trẻ khó diễn tả nỗi buồn chính xác, trẻ thể hiện tình trạng chống đối và khó chịu, thường xuyên than phiền sự khó chịu trong cơ thể. Chính vì thế, mức độ can thiệp của bệnh trầm cảm sẽ dùng thuốc và chữa trị tâm lý, từ cần sự hỗ trợ đến cần sự hỗ trợ rất nhiều, tùy mức độ và biểu hiện.
Theo Th.S tâm lý Đàm Thị Kim Nga, Tổ trưởng tổ Tâm lý, Khoa Tâm thần trẻ em, ngoài dùng thuốc, bệnh nhân mỗi ngày can thiệp chữa trị tâm lý từ 40-60 phút/ngày. Không chỉ bệnh nhân mà gia đình cũng cần can thiệp tâm lý bởi gia đình phải hiểu bản chất bệnh thì mới thay đổi suy nghĩ và cùng y, bác sĩ thay đổi tâm lý cho trẻ. Chữa trị tâm lý tùy theo mức độ và tình trạng thì sẽ có phương pháp khác nhau. Cụ thể, bệnh nhân biểu hiện bồn chồn, mất ngủ thì áp dụng kỹ năng thư giãn căng cơ, hít thở bụng, tưởng tượng. Nếu bệnh nhân biểu hiện giảm hứng thú, mất tập trung thì có liệu pháp kích hoạt hành vi giúp bệnh nhân tập trung và hứng thú. Đối với bệnh nhân luôn suy nghĩ tiêu cực thì áp dụng phương pháp thay đổi suy nghĩ hành vi và nhận thức… Các em mắc bệnh trầm cảm từ 10 tuổi trở lên ở tuổi này các em có nhận thức thì việc áp dụng chữa trị tâm lý, giúp trẻ đấu tranh hành vi, thay đổi suy nghĩ đạt hiệu quả cao hơn.
Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, bệnh viện liên kết Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thực hiện chương trình tư vấn sức khỏe tâm thần học đường nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các rối loạn tâm thần của học sinh, trong đó có trầm cảm. Việc làm này giúp các em nâng cao hiểu biết về căn bệnh trầm cảm, dễ dàng trao đổi các y, bác sĩ về những biểu hiện bản thân để có hướng điều trị kịp thời, đúng cách.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có 129 lượt khám và điều trị 42 em. Biểu hiện bệnh bị trầm cảm gồm: giảm hứng thú, rối loạn giấc ngủ kéo dài, khí sắc giảm hoặc buồn, ăn uống bị rối loạn, tập trung kém…
Bác sĩ CKII Trần Thị Hải Vân, nguyên Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng: “Bên cạnh dùng thuốc và liệu pháp chữa trị tâm lý thì sự quan tâm của gia đình và cộng đồng là điều cần thiết giúp bệnh nhân trầm cảm điều trị hiệu quả, sớm hòa nhập xã hội”. |
HUỲNH TƯỜNG VY