Đà Nẵng cuối tuần

Y tế tư nhân trong chính sách y tế chung

18:17, 18/11/2023 (GMT+7)

Ta hay nghe ở đâu đó nhưng lời nói “không được thương mại hóa y tế”. Rồi ta thấy ai đó hay dẫn lời Hải Thượng Lãn Ông rằng, thầy thuốc chữa bệnh không được mưu cầu lợi ích... Những ý nghĩ kiểu đó cộng hưởng với tư tưởng bao cấp làm chúng ta coi nhẹ khía cạnh kinh tế trong y tế. Vì thế chúng ta phải làm rõ với nhau khía cạnh kinh tế của y tế. Hoạt động khám chữa bệnh của con người là hoạt động vật chất, nên cần những nguồn lực để duy trì, nguyên lý bảo toàn vật chất và năng lượng đã nói vậy. Ta nên gạt bỏ ngay những suy nghĩ mơ hồ là hoạt động y tế là hoạt động nhân đạo, hoạt động từ thiện, nên không cần nói đến khía cạnh kinh tế.

Hoạt động y tế tiêu tốn chi phí nhân công lao động, chi phí thuốc men, hao mòn máy móc, tiêu tốn chi phí quản lý, chi phí mặt bằng điện nước, chi phí đào tạo. Tất cả chi phí đó cần phải được bù đắp để tồn tại và chi tăng thêm nếu muốn phát triển. Vì thế, thật là phi lý khi cứ đòi hỏi phải có một nền y tế chất lượng cao trong khi không có hoặc không đầu tư đầy đủ cho y tế. Tức là tôi muốn nói khía cạnh kinh tế trong y tế là một sự thật khách quan hiển nhiên. Nếu cứ cố tình phủ nhận hoặc né tránh kinh tế trong y tế thì y tế sẽ không phát triển được.

Ta hay lấy ví dụ những thầy thuốc y học cổ truyền, suốt đời chỉ lo làm phúc, không màng đến chuyện tiền nong. Vâng ta thử phân tích xem một trường hợp như vậy. Một cụ lang ngày đêm lăn lộn đến nhà người bệnh chữa không lấy tiền. Vậy ai nuôi cụ ấy. Vợ con cụ ấy cầy cấy làm ruộng để nuôi cụ thỏa chí đi chữa bệnh cứu người. Có thể cụ ấy có một gia đình hòa thuận chấp nhận như vậy, nhưng rộng ra xã hội có bao nhiêu gia đình chấp nhận cho người nhà mình ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng như thế.

Cụ lang ấy không thể tay không chữa bệnh. Cho dù thuốc là cây cỏ tự nhiên mọc trong rừng thì cũng cần nhân công đi hái về, rồi còn băm chặt phơi khô dự trữ dùng dần. Rồi thuốc thì có nhiều vị mọc ở những nơi thổ nhưỡng khác nhau, hái trong một vùng không thể nào có đủ được, tất yếu phải mua thêm thuốc từ vùng khác...

Như thế ta thấy dù cho là một mô hình khám chữa bệnh đơn sơ nhất, dựa vào kinh tế tự cấp tự túc của ngày xa xưa, thì cũng không thể có loại hình chữa bệnh hoàn toàn miễn phí được. Cho nên từ ngày xa xưa bệnh nhân đã trả công thầy thuốc chữa bệnh bằng tiền hoặc hiện vật. Có miễn phí thì chỉ một số rất ít trường hợp nhà nghèo, mà miễn phí này cũng thực chất là san sẻ lợi nhuận từ nhà giàu cho nhà nghèo. Điều đáng nói ở đây là ngay từ xa xưa, chữa bệnh đã là một hoạt động dịch vụ, được trao đổi ngang giá.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành y ngày càng phát triển, thì đòi hỏi nguồn lực đầu tư ngày càng lớn. Nhìn chung bình diện toàn thế giới, quốc gia nào y tế phát triển thì đó cũng chính là quốc gia đầu tư cho y tế nhiều nhất. Không có con đường tắt trong khoa học. Cũng không có con đường tắt nào trong y học. Không thể đầu tư thấp cho y tế mà đòi hỏi ngành y phải ngang tầm thế giới được. Quản trị y tế chỉ giúp cho đầu tư đó hiệu quả hơn, không bị thất thoát lãng phí, không bị tham nhũng thôi.
Bây giờ chúng ta bàn tiếp nguồn lực đầu tư cho y tế sẽ đến từ đâu.

Chắc chắn nguồn lực đó chủ yếu do người dân chi trả và có một phần rất nhỏ đến từ hiến tặng từ thiện. Người dân tự chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh của mình là một sự thật hiển nhiên. Nguồn lực của người dân chi trả cho y tế được phân chia theo hình thức chi trả. Nếu người dân trực tiếp chi trả cho mỗi lần khám chữa bệnh thì ta có y tế tư nhân. Còn nếu người dân chi trả gián tiếp, thông qua đóng thuế cho Chính phủ, rồi Chính phủ phân bổ cho các chương trình y tế thì ta có y tế công.

Niên giám Y tế Việt Nam 2020 cho biết, chi ngân sách Nhà nước cho y tế là 124.700 tỷ đồng, chiếm 7,14% tổng chi ngân sách Nhà nước. Nguồn thu khác cho y tế (viện phí, bảo hiểm y tế, hoạt động dịch vụ…) ước khoảng 147.540 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm y tế chiếm khoảng 100.000 tỷ. Tổng chung chi cho y tế 2020 là 272.240 tỷ đồng, bằng 11 tỷ USD, tức là khoảng 115 USD/người.

So sánh với Mỹ, con số của năm 2016, tổng chi cho y tế Mỹ là 3.300 tỷ USD (17,9% GDP), tương đương 10.438 USD/người. Hình thức người dân chi trả chi phí y tế gián tiếp thông qua đóng thuế cho Chính phủ có nhiều lợi ích. Thứ nhất, Chính phủ dễ dàng điều tiết hỗ trợ cho người bệnh tùy vào từng loại bệnh, giúp cho những người không may gánh chi phí cao có thể điều trị được. Thứ hai, do tập trung nguồn lực, nên Chính phủ sẽ có nguồn lực lớn, dễ dàng tập trung đầu tư. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguy cơ xảy ra, đó là sự quan liêu, lãng phí thậm chí là tham nhũng làm thất thoát nguồn lực, nguồn lực dành cho y tế lại bị điều chuyển cho các hoạt động khác... Tất cả những nguy cơ trên sẽ làm giảm hiệu quả của y tế công.

Một nền y tế phát triển lành mạnh cần được kết hợp những ưu điểm của cả hai hình thức y tế đó. Mô hình tốt nhất là y tế công tập trung vào y tế dự phòng, quản một số viện nghiên cứu lớn, một số bệnh viện bệnh xã hội hoặc bệnh viện của quân đội, công an. Còn lại các bệnh viện điều trị có thể tư nhân hóa, hoạt động theo luật khám chữa bệnh và luật doanh nghiệp.

Các bệnh viện công lớn đã tích tụ được một lượng tài sản lớn là quỹ đất, là phòng ốc, máy móc, nhân lực, thương hiệu... thì đó cũng là tài sản của toàn dân tích lũy qua thời gian dài, cần được tư nhân hóa qua hình thức cổ phần để rút một nguồn lực lớn đó ra trang trải cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Các bệnh viện tư nhân mới thành lập cần được chính sách nâng đỡ ban đầu như cấp đất miễn phí xây bệnh viện, miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị, miễn thuế doanh nghiệp trong thời gian đầu. Và quan trọng hơn, các bệnh viện tư nhân còn cần một chính sách như các bệnh viện công. Như vậy, theo suy nghĩ của tôi, kinh tế y tế cần kết hợp hài hòa giữa chi trả trực tiếp của người dân với chi trả gián tiếp thông qua chính phủ để hoàn thiện chính sách y tế cho toàn dân.

QUAN THẾ DÂN

.