Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm

12:51, 02/04/2024 (GMT+7)

Công tác phòng, chống dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát chặt chẽ, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, các kết quả hiện tại không mang tính xuyên suốt, hoạt động phòng, chống dịch cần được triển khai đồng bộ, với sự tham gia vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương và sự chủ động của người dân.

Bác sĩ khám, điều trị bệnh nhân nhi mắc bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ khám, điều trị bệnh nhân nhi mắc bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong năm 2023 trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận lây lan, bùng phát thành dịch. Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giảm 67,6% so với năm 2022, trong khi bệnh thủy đậu tăng 1,9 lần so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng tăng 12,9%... Để chủ động và hiệu quả trong phòng, chống dịch, hằng năm CDC Đà Nẵng xây dựng kế hoạch chuyên môn; ngành y tế tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND quận, huyện, các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, đối với một số bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch, CDC Đà Nẵng có kế hoạch riêng. Thông qua hệ thống giám sát từ các đơn vị, địa phương, CDC Đà Nẵng báo cáo kịp thời Sở Y tế để báo cáo UBND thành phố, từ đó các kế hoạch được thực hiện kịp thời, hiệu quả. “Đơn cử như sốt xuất huyết, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, huy động quần chúng nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy trên toàn địa bàn thành phố. Xử lý triệt để các ca bệnh đơn lẻ, các ổ dịch nhỏ; tăng cường giám sát, hỗ trợ tại cộng đồng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ đứng điểm, tổ phản ứng nhanh, đội cơ động phòng, chống dịch.

Tương tự, với dịch bệnh tay chân miệng, ngoài việc tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp; vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng... đơn vị cũng phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo”, bác sĩ Hóa cho biết.

Đối với các bệnh có nguy cơ lan thành dịch nguy hiểm như: viêm phổi nặng (SVP), bệnh truyền nhiễm nhóm B (bạch hầu, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, sởi, rubella, đậu mùa khỉ…) CDC Đà Nẵng thường xuyên phối hợp Viện Pasteur Nha Trang tăng cường giám sát để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc kiểm soát, ứng phó dịch bệnh trên địa bàn thành phố dựa trên nguyên lý hệ thống y tế dự phòng ba cấp để theo dõi nhanh chóng gồm tuyến thành phố, tuyến quận/huyện và tuyến phường/xã. Ngoài ra, hệ thống cộng tác viên y tế - dân số cũng đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong nhận diện, dự báo nguy cơ và cung cấp thông tin kịp thời. Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng mạng xã hội trang web, phần mềm, việc quản lý, đã giúp các đơn vị y tế kịp thời theo dõi địa chỉ, liên hệ xác minh các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố có mật độ dân số đông, tập trung nhiều công nhân, sinh viên… khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, khó xử lý. Địa bàn thành phố có sân bay quốc tế, cảng biển, là đầu mối giao thông quan trọng và là điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế nên nguy cơ các dịch bệnh xâm nhập vào thành phố là rất lớn.

“Một số dịch bệnh xảy ra hằng năm nhưng vẫn chưa có sự hợp tác chủ động từ nhiều phía, trong đó có sốt xuất huyết. Vẫn còn những vướng mắc trong áp dụng biện pháp hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình… có lăng quăng, bọ gậy và không phối hợp phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài ra, một bộ phận người dân còn thờ ơ, chưa tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và khu vực sinh sống thường xuyên. Nhiều trường hợp không nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, không hợp tác, khai báo với địa phương, gây nguy hiểm cho bản thân, người nhà và cộng đồng. Vì vậy, phòng chống dịch, nhất là dịch bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà rất cần sự chủ động, chung tay từ cộng đồng”, bác sĩ Trình cho biết.

PHAN CHUNG

.