Y tế - Sức khỏe
Nỗ lực duy trì chợ an toàn thực phẩm
Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố phối hợp các địa phương nhân rộng, duy trì mô hình chợ an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống. Việc cải tạo, nâng cấp và duy trì chợ truyền thống với các quy định về an toàn thực phẩm sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng mất vệ sinh, nguy cơ ngộ độc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, toàn thành phố hiện có 74 chợ bán lẻ truyền thống, trong đó có 55 chợ ở khu vực đô thị, 19 chợ ở khu vực nông thôn, bao gồm 8 chợ hạng I, 19 chợ hạng II, 40 chợ hạng III và 7 chợ tạm. Tổng số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố là khoảng 21.992 hộ, trong đó khoảng 15.543 hộ kinh doanh cố định và 6.449 hộ kinh doanh không cố định.
Các chợ tại khu vực đô thị hầu hết đã được sử dụng để kinh doanh và cung cấp các dịch vụ tiện ích kèm theo. Một số chợ tại khu vực nông thôn tuy có diện tích tương đối lớn nhưng diện tích kinh doanh nhỏ, diện tích chưa sử dụng còn nhiều. Điểm đáng lưu ý, hiện nay diện tích bán hàng bình quân của hộ kinh doanh khoảng 6,4m2/hộ, rộng hơn so với quy định hiện hành về diện tích quy chuẩn tối thiểu của điểm kinh doanh tại chợ (3m2/điểm).
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm an toàn, chất lượng tại các chợ, từ năm 2018, UBND thành phố ban hành Bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như kế hoạch triển khai xây dựng chợ đủ điều kiện nêu trên. Theo ông Võ Lê Hồng Phong, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, việc ban hành Bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất, quyết định chất lượng kinh doanh thực phẩm tại chợ.
Giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức xây dựng và công nhận 22 chợ đạt “Mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
“Việc xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm chỉ đạo của địa phương, sự đồng thuận của các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại các chợ được nâng cấp, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Ý thức, trách nhiệm của ban quản lý các chợ cũng như ý thức chấp hành của người kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm cũng được nâng cao”, ông Phong cho biết.
Để duy trì điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ đã được công nhận, hằng năm Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thành lập đoàn kiểm tra các chợ đã đạt chuẩn, triển khai lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, hóa lý, chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Hoạt động này giúp duy trì chất lượng chợ an toàn thực phẩm, kịp thời hướng dẫn, nâng cao thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực này của các tiểu thương.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, để mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục được duy trì, nhân rộng, cần có sự điều chỉnh một số chính sách liên quan. Hiện nay đa phần các chợ trên địa bàn thành phố đã xuống cấp nên cần nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo các hạng mục nhằm đáp ứng các quy định và điều kiện về an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường.
Một số chợ hạng 3 do UBND phường quản lý hầu hết được xây dựng từ lâu đời (trên 15 năm) có diện tích khá nhỏ, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, số hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ đông đúc nên việc bố trí diện tích khu ngành hàng hẹp, điểm bán hàng không đủ quy định tối thiểu 3m/quầy, sạp. Việc bố trí quầy sạp kinh doanh cũng như lối đi nội bộ không bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định, hệ thống xử lý chất thải chưa hoàn thiện, chưa phân chia khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm chia theo nhóm hàng riêng biệt; trang thiết bị phục vụ kinh doanh thực phẩm còn thiếu và thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Để phát triển, quản lý và xây dựng chợ an toàn thực phẩm trong thời gian đến được thuận lơi, hiệu quả, cần có sự quan tâm, rà soát, điều chỉnh từ Chính phủ, Bộ Công Thương thay đổi một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong công tác đầu tư; sửa đổi quy định về vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ngân sách Trung ương và địa phương. Bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư và hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, địa phương cũng cần xây dựng các chính sách, chế độ ưu đãi ở địa phương phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để khuyến khích, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong phát triển và quản lý chợ”, ông Hải đề xuất.
PHAN CHUNG