Y tế - Sức khỏe
Tăng cường hậu kiểm thực phẩm sau công bố
Hậu kiểm là hoạt động được Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố triển khai thường xuyên đối với những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Hoạt động này nhằm mục đích kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, duy trì việc sản xuất, chế biến đúng quy trình, bảo đảm quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 2, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố vừa tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt; cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống không cồn trên địa bàn các quận: Thanh Khê, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Lực lượng chức năng tập trung kiểm tra 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở tất cả các nội dung như nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm…
Theo ông Nguyễn Phú Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 2, ngoài việc kiểm tra, đoàn tiến hành lấy các mẫu sản phẩm tự công bố để gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm là cần thiết, quyết định chất lượng thực phẩm phân phối, cung cấp cho người tiêu dùng có bảo đảm đúng quy định hay không.
“Kết quả cho thấy, các cơ sở được kiểm tra có đủ các giấy tờ pháp lý theo quy định như thực hiện đúng quy định về khám sức khỏe định kỳ; có xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm; cơ sở đáp ứng các quy định về điều kiện trang thiết bị dụng cụ phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, có nhãn sản phẩm đúng quy định… Đây là những điều kiện cần và đủ để các cơ sở hoạt động đúng quy định pháp luật”, ông Phúc cho biết.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai đồng đều, quyết liệt trong những năm gần đây. Đặc biệt Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới được ban hành, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, nhận thức. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề hết sức phức tạp và đáng báo động. Thực trạng trên đang đặt ra các yêu cầu mới, cùng với tiền kiểm thì hậu kiểm là hoạt động nhằm củng cố, nâng cao năng lực quản lý hướng đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, công tác hậu kiểm được triển khai có trọng tâm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm hoặc sản phẩm thuộc diện tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hoạt động hậu kiểm bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật…
Ngoài tuyến thành phố, các địa phương cũng tổ chức hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn theo phân công, phân cấp quản lý. Nội dung hậu kiểm cũng đa dạng, rộng mở trong nhiều lĩnh vực như kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; dư lượng, kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. Đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, lực lượng chức năng kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, nhập lậu…
“Một trong những mục tiêu của hoạt động này là tiếp tục coi truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cần được đẩy mạnh với các hình thức, nội dung phong phú. Thông qua hoạt động hậu kiểm, công tác truyền thông về kiến thức, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm cũng được đẩy mạnh. Về phía cơ quan chức năng, chúng tôi tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các quy định, quy trình quản lý nhằm hài hòa với các quy định của pháp luật; đề cao và phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp, người sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hải cho biết.
ĐẠI BÌNH