.
Vụ "người thổi còi" Edward Snowden đào thoát

Mỹ, Nga "khẩu chiến"

.

Nga thẳng thừng từ chối Mỹ về việc dẫn độ Edward Snowden, người tiết lộ chương trình gián điệp của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), bằng việc nói rằng “người thổi còi” không vượt qua biên giới của Mátxcơva.

Hình ảnh Edward Snowden và sự bối rối của Tổng thống Mỹ Barack Obama được in trên trang nhất các báo, tạp chí ở Hong Kong.                       	                            Ảnh: Reuters
Hình ảnh Edward Snowden và sự bối rối của Tổng thống Mỹ Barack Obama được in trên trang nhất các báo, tạp chí ở Hong Kong. Ảnh: Reuters

Bất chấp áp lực của Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Mátxcơva không liên quan gì đến các chuyến bay chở Snowden. Ông Lavrov thậm chí tức giận trước yêu cầu của Washington về việc phải dẫn độ cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) và cáo buộc những hệ lụy tiêu cực nếu Mátxcơva không tuân thủ.

Sự biến mất của Snowden đang làm Mỹ tức tối nhưng đến nay tung tích của anh vẫn chưa rõ. Có nhiều nguồn tin cho rằng, Snowden vẫn ở Mátxcơva mặc dù anh đã xin tị nạn tại Ecuador. Các quan chức Mỹ cũng như Ecuador đều tin người tiết lộ chương trình giám sát qua Internet và điện thoại của NSA vẫn ở Mátxcơva - điểm đến sau khi “người hùng” rời khỏi Hong Kong. Bởi lẽ, chuyến bay từ Mátxcơva đến Havana (Cuba) của Hãng hàng không Aeroflot mà Snowden đã đặt chỗ lại không hề có sự hiện diện của anh.

Tổng thống Barack Obama cho biết, Mỹ sẽ theo đuổi “tất cả các kênh hợp pháp” để bắt Snowden. Tuy nhiên, việc Washington gây sức ép đối với Nga làm nước này tức giận. “Chúng tôi xem các nỗ lực cáo buộc Nga vi phạm luật pháp của Mỹ là hoàn toàn vô căn cứ và không thể chấp nhận được”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov nói. “Không có cơ sở pháp lý nào cho hành động như thế của các nhà chức trách Mỹ”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh. Ông Lavrov còn nói rằng, cáo buộc của Mỹ gần như là một âm mưu và Chính phủ Nga chỉ nhận thông tin về chuyến bay chở Snowden từ Hong Kong đến Mátxcơva thông qua báo chí.

Trung Quốc cũng mô tả các cáo buộc của Mỹ cho rằng Hong Kong tạo điều kiện để Snowden đào thoát là “vô căn cứ và không thể chấp nhận được”. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell, cường quốc này đã gửi yêu cầu đến hàng loạt Chính phủ, trong đó có Nga, Ecuador... rằng, Snowden bị cấm đến các nước khác. Washington đã thu hồi hộ chiếu của anh.

Đối với Nga, Mỹ cho rằng, Tổng thống Vladimir Putin đã phớt lời yêu cầu của Washington trong việc cho Snowden lưu lại sân bay Sheremetyevo để tránh sự liên lụy cho Chính phủ Mátxcơva. Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định không muốn Nga - Mỹ lạnh nhạt trong lúc hai nước cài đặt lại quan hệ, nhất là Mátxcơva không có lợi gì nếu làm mất lòng Washington trong vụ việc này. AP nhận định: Đối với Tổng thống Obama, việc Snowden đào thoát giáng mạnh vào nỗ lực của ông trong việc xây dựng quan hệ với Nga. Tuần trước, Tổng thống Obama gặp gỡ người đồng cấp Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8) ở Bắc Ireland. Và hồi đầu tháng này, ông có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở California. Song, từ khi Snowden đến Hong Kong, ông Obama chưa liên lạc qua điện thoại với nhà lãnh đạo Trung Quốc; kể từ lúc “kẻ tội đồ” của Mỹ đến Nga, người đứng đầu Nhà Trắng cũng không trò chuyện với ông Putin. Mỹ có mối quan hệ sâu sắc về kinh tế với Trung Quốc và cần cường quốc châu Á này hỗ trợ trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Chính phủ của Tổng thống Obama cũng cần sự hợp tác của Nga để kết thúc cuộc nội chiến ở Syria, đồng thời giảm số lượng vũ khí hạt nhân mà ông đã cam kết.

Nga và Ecuador đang thảo luận về nơi mà Snowden có thể đến nhưng theo AP, tiến trình bàn bạc này phải mất vài ngày.

Ngày 25-6, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong cho biết, “người thổi còi” Edward Snowden vào làm cho nhà thầu Booz Allen Hamilton của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chỉ nhằm mục đích duy nhất: thu thập bằng chứng về hoạt động theo dõi của Washington.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.