.

Học lập trình bằng trò chơi

.

Khóa học “Tin học tư duy” do Học viện Công nghệ thông tin (CNTT) Microsoft tại Đà Nẵng phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức nhằm giúp các em thiếu nhi thử sức làm “lập trình viên nhí”.

Đối với các em thiếu nhi, lớp học IT Kids là hoạt động học mà chơi - chơi mà học.
Đối với các em thiếu nhi, lớp học IT Kids là hoạt động học mà chơi - chơi mà học.

Một buổi sáng chủ nhật tại Học viện CNTT Microsoft Đà Nẵng, 5 cậu bé và 2 cô bé từ 9-11 tuổi ngồi chăm chú trước màn hình máy tính. Bỗng cậu bé ngồi cuối dãy bàn kêu lên “thất thanh”: “Cô ơi, chương trình của con thiếu một lệnh”.

Cậu bé Nguyễn Hữu Việt Hoàng (lớp 5, Trường tiểu học Trần Cao Vân) đang mày mò thiết lập các lệnh cho Minecraft, một trò chơi điện tử nổi tiếng của lập trình viên người Thụy Điển Markus Persson. Trên nền tảng giao diện sẵn có của Code.org, Hoàng phải tìm cách sắp xếp các khối lệnh thật hợp lý để người chơi có thể xây dựng công trình, thu thập tài nguyên, chế tạo vũ khí và chiến đấu trong trò chơi này.

Cậu bé thất vọng khi không tìm ra lệnh giúp nhân vật di chuyển. Cô giáo Nguyễn Thị Sự (giảng viên Học viện CNTT Microsoft Đà Nẵng) nhận ra ngay vấn đề và giúp cậu bé giải quyết. Cô Sự động viên Hoàng: “Không phải Minecraft là “món ruột” của con rồi sao! Con mê trò chơi này lắm mà”.

Hoàng và các bạn đang theo khóa học IT Kids (CNTT cho trẻ em), được thiết kế cho các em từ 4 tuổi trở lên dựa trên nội dung đào tạo của chiến dịch Giờ lập trình (Hour of Code) do tổ chức Code.org sáng lập. Thông qua trò chơi, các em được rèn luyện tư duy, tìm hiểu về nguyên tắc thiết kế giao diện người dùng (là nền tảng của các hệ thống CNTT).

Kết thúc mỗi cấp độ, các em đều có thể tự tạo ra một trò chơi điện tử mang đậm “dấu ấn cá nhân” để chia sẻ với cha mẹ và bạn bè. Em Trần Ngọc Châu Giang (lớp 4, Trường tiểu học Lý Tự Trọng) bày tỏ, mỗi tuần em đều mong chờ đến học tại lớp IT Kids. “Em thích chơi những trò chơi do mình tự làm, nhất là trò Flappy Bird”, Ngọc Châu vừa hoàn thành bài tập lập trình cho trò chơi này nên tỏ ra rất hào hứng.

Cô Sự cho biết, các bài tập trong chương trình “Tin học tư duy” đều đòi hỏi các em phải sử dụng các câu lệnh ngắn gọn nhất với số lượng ít nhất có thể để thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Ví dụ như, bài tập yêu cầu vẽ 3 dãy hình lục giác, nếu dùng giấy, bút, các em có thể nhanh chóng vẽ đúng yêu cầu. Nhưng ở đây, các em phải dùng những câu lệnh như “đi thẳng”, “rẽ 120 độ”, “lặp lại”…, để thực hiện trên máy tính.

Điều này đòi hỏi các em phải phân tích, suy tính trước khi bắt tay vào làm. Theo cô Sự, để hướng dẫn các em lập trình, điều quan trọng nhất là phải tập cho các em thói quen kiên nhẫn suy nghĩ. Thông thường, giáo viên sẽ dành ra 3-4 phút tự động não rồi mới gợi ý. “Đối với những em nhỏ chưa biết về các khái niệm hình học như góc, độ…, giáo viên sẽ giảng giải và cho các em xem hình mẫu. Vậy mà các em nắm bắt nhanh lắm vì cứ nghe tới “trò chơi” là lại háo hức muốn học”, cô Sự nói.

Ông Đinh Hồng Ân, quản lý đào tạo kiêm giảng viên Học viện CNTT Microsoft Đà Nẵng cho biết, chương trình “Tư duy lập trình” giúp các em tự tạo ra trò chơi điện tử, thay vì chỉ đơn thuần là chơi trò chơi điện tử. Như vậy, các em được học, rèn luyện tư duy mà vẫn hào hứng, vui vẻ, không bị áp lực. “Bên cạnh đó, những em có năng khiếu và thiên hướng CNTT cũng sẽ được phát hiện và khuyến khích”, ông Ân nói.

Code.org là tổ chức phi lợi nhuận, được sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Facebook, Google..., nhằm tăng khả năng tiếp cận của con người, trong đó có trẻ em, phụ nữ, các nhóm thiểu số... đối với ngành khoa học máy tính. Từ năm 2012, chiến dịch Giờ lập trình (Hour of Code) thường niên của Code.org được tổ chức ở hơn 180 quốc gia, thu hút sự tham gia của 10% số học sinh trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chiến dịch này được tổ chức từ năm 2013.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.