.

Mỗi mùa, mỗi khác

Mỗi mùa Trung thu, người lớn lại luyến lưu những mùa cũ. Sẽ hơi khập khiễng nếu so sánh thế hệ này với thế hệ khác, kiểu chơi Trung thu của trẻ em thời đại này với cách chơi của thế hệ trước đây.

Cũng hơi khó nếu đòi hỏi trẻ em ngày nay cần biết tự vót tre làm lân, làm lồng đèn, bởi tre có còn ở quanh chúng đâu mà vót. Trẻ con càng không có lỗi khi chúng có quá nhiều điều kiện để lựa chọn những chiếc lồng đèn với màu sắc, âm thanh, ánh sáng lộng lẫy hơn. Và nhiều người lớn dần chấp nhận sự khác biết ấy.

Nhưng với những người yêu sự mộc mạc, dễ thương của Tết Trung thu, dù biết chẳng có lý do gì bắt trẻ con ngày nay phải đón Trung thu như cách của chính mình ngày xưa nhưng vẫn có vài điều làm họ không thôi tiếc nuối.

Trước rằm tháng 8, hằng đêm, ông giáo già dắt cháu ra bãi sân rộng trong xóm xem tập múa lân. Hai ông cháu hò reo sau những màn nhào lộn ngoạn mục trên cao của chú lân. Để tăng thêm phần hấp dẫn, kịch tính, màn múa lân năm nay được bổ sung đoạn chú lân chiến đấu với con trăn khổng lồ. Sau một hồi múa may, chú lân cúi xuống đất gắp con trăn (trăn giả trông như thật) vào miệng rồi quay cho trăn đứ đừ. Chưa thôi, chú lân đập thình thịch con trăn xuống thanh sắt, rồi lấy chân giẫm, đay nghiến con trăn cho đến khi trăn… đứt đầu rơi bịch lại xuống đất. Phụ họa cho màn “đấu trăn” này là đội trống dùng tiếng động mô tả cảnh chặt, chém như phim hành động!

Trong khi thằng cháu hí hửng chờ đón đoạn “lân giết trăn”, ông giáo già lại thẩn thờ tiếc: “Thêm vô chi mấy cảnh đấu đá, chẳng còn dễ thương, đáng yêu nữa”. Xem được mấy hôm, ông giáo mặc kệ cháu muốn đi đâu thì đi, còn ông chọn cách ngồi nhà xem ti-vi để đỡ nhìn thấy cảnh “chướng mắt”.

Vào mùa Trung thu, truyền hình rôm rả quảng cáo mua sản phẩm tặng kèm lồng đèn. “Mua một sản phẩm tặng một lồng đèn Cướp biển Caribe”! Trên ti-vi đọc oang oang, mấy đứa nhỏ khoái chí đòi mẹ mua hàng để được thưởng cướp biển!

Trong khi nhỏ bạn hàng xóm đòi mẹ chiếc lồng đèn thật “ngầu”, con bé bên nhà cứ nhất quyết có bằng được lồng đèn “Cô dâu 8 tuổi” - nhân vật trong bộ phim cùng tên của Ấn Độ, hoặc ít ra phải là “Minion” - nhân vật hoạt hình nước ngoài.

Thấy con đòi cho bằng được, nhưng mua về chơi một lúc lại chán, bà mẹ kể con nghe chuyện thời nhỏ đã tự chế lồng đèn bằng lon sữa và giấy vụn. Nhìn chiếc lồng đèn lung linh ánh nến hoặc có thể biết xoay dưới bàn tay sáng tạo của mình, cảm giác ấy thật tuyệt! Cũng vì khó khăn mới có lồng đèn để chơi nên đứa bé nào cũng yêu quý và xem món đồ chơi như bạn, chứ không dễ chán như bây giờ. Nói xong, bà mẹ nhắc bố trẻ mua giấy màu về cùng con dán lồng đèn, hy vọng con sẽ hứng thú với những gì tự mình tạo ra. Nghe bố mẹ lên kế hoạch, cậu bé 5 tuổi nhanh nhảu nói: Làm để làm chi mẹ, con muốn mua mới đẹp!

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.