.
Nghĩ

Nhà báo và lòng tin của bạn đọc

.

Tuần qua, nhiều báo đã đăng tải đoạn phim “được cho” là quay lại quá trình sản xuất bánh trung thu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của Công ty K.Đ.

Cho đến tận giờ phút này, Công ty K.Đ vẫn hoàn toàn im lặng trước thông tin trên. Trong khi đó, các tờ báo mạng đã vào cuộc “mổ xẻ”, phân tích ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Tuy nhiên, thay vì góp phần làm sáng tỏ bản chất vấn đề mà dư luận đang quan tâm (nhiệm vụ của một nhà báo), những tờ báo mạng này lại khiến người đọc thêm hoang mang.

Trong số những phản hồi của bạn đọc dưới mỗi bài viết, không ít người hoài nghi tính xác thực của đoạn phim, số khác lại bất bình trước việc các báo sao chép theo kiểu xào nấu thông tin và giật tít câu người xem. Đặc biệt hơn, một số bạn đọc bày tỏ sự sợ hãi với cách các nhà báo khai thác thông tin. Nhà báo đã lựa chọn thời điểm vụ bánh lớn nhất trong năm để thâm nhập vào doanh nghiệp, họ bóp đầu, xoa trán cho một nhân viên để lấy thông tin, họ thậm chí đặt lời nói vào miệng nhân viên kia như một cái bẫy. Với cách làm này, có lẽ họ sẽ “quét nhà ra rác” ở tất cả các công ty, doanh nghiệp chứ không riêng gì K.Đ.

Chuyện xảy ra ở Công ty K.Đ tương tự như câu chuyện về con ruồi trong chai của một hãng nước giải khát nổi tiếng. Không cần kiểm chứng lại thông tin được lan truyền trên mạng xã hội, các tờ đã “vào cuộc” và cùng nhau “đánh hội đồng” thương hiệu nước giải khát Việt duy nhất có khả năng đứng vững trước 2 ông lớn ngoại quốc. Doanh nghiệp nhanh chóng bị người tiêu dùng quay lưng, hàng ngàn công nhân mất việc. Thực sự có ruồi trong chai nước hay không, đến nay chưa ai có thể khẳng định được, thế nhưng, truyền thông Việt đã sử dụng sức mạnh, “quyền lực” của mình để “bóp chết” một doanh nghiệp Việt.

Vừa qua, một học sinh đạt 29 điểm, trượt Học viện Chính trị Công an nhân dân vì khai lý lịch không chuẩn xác. Nhờ sự vào cuộc, lên tiếng của truyền thông, em đã được nhận vào trường. Sau trường hợp của em, các phóng viên tiếp tục rà soát và “viết tâm thư” trên báo mạng hàng loạt các trường hợp “điểm cao, muốn vào công an” khác, bất kể có phù hợp với quy định hay không. Trong trường hợp đầu tiên, báo chí đã thành công khi giúp thay đổi số phận của một học sinh, tuy nhiên, về sau, người làm báo lại “uốn éo câu chữ khóc than để xin chiếu cố, trườn qua những quy phạm bất biến. Đấy chỉ là sự lợi dụng và “thương vay, khóc mướn”. Những người làm báo này, đang khơi nguồn, tiếp tay cho một sự loạn, trong việc tuân thủ và thực thi pháp luật...” – Nhà báo Mai Thanh Hải viết trên trang mạng xã hội của mình.

Dường như với các trang báo mạng hiện nay, làm báo đồng nghĩa với việc vạch trần và nêu lên tất cả những mảng tối, tiêu cực xã hội. Vì lẽ đó, họ cố săn lùng, điều tra cho được những khiếm khuyết, sai sót, thậm chí họ hăm hở viết về điều xấu ngay cả khi sự thật chưa được kiểm chứng. Các nhà báo vội vàng viết và đăng cho kịp dòng thời sự mà quên đi trách nhiệm của mình còn phải nêu lên phương hướng giải quyết, định hướng tư tưởng cộng đồng đến những giá trị “chân, thiện, mỹ”. Những tờ báo mạng này quên đi thực tế rằng, bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào cũng bao gồm những mặt tốt, mặt xấu, cả ưu điểm và khuyết điểm. Nếu chỉ xoáy vào mảng tối, tiêu cực để có một bài báo “hấp dẫn” bạn đọc, đôi khi sẽ làm sai lệch bản chất sự việc.

Đây cũng là vấn đề mà những nền báo chí hiện đại trên thế giới đang phải đối mặt. Tờ New York Times - ấn bản phổ biến nhất ở Mỹ - đã làm một cuộc khảo sát và nhận được kết quả, đến 70% người dân không tin tưởng những thông tin báo chí cung cấp. Giờ đây, danh tiếng nhiều thập kỷ của một tờ báo không còn là sự bảo đảm để lấy được niềm tin từ bạn đọc. Người đọc không còn nhận thông tin thụ động từ tòa soạn, không còn “lóa mắt” bởi thương hiệu của tờ báo. Họ tỉnh táo lắng nghe, tự kiểm nghiệm, so sánh và chọn lọc những thông tin có giá trị, đáng tin tưởng giữa rừng thông tin có sẵn.

Cách duy nhất có được lòng tin của bạn đọc là không dùng danh nghĩa nhà báo để xâm hại, xúc phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân… Báo chí đừng chỉ phản ánh những điều nóng, xấu, ác, báo chí cần cả những bài viết xúc động, gần gũi về những phận đời trong cuộc sống, những bài viết chất chứa tình người trong đó. Từ đó hình thành tư duy sống tích cực, bao dung, vị tha, biết nghĩ cho nhau qua từng câu chuyện… Báo chí là nghề có tác động, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, do đó, người viết cần viết vì lương tâm chứ không phải "vì quyền lực thứ tư".

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.