Khoảng trống trong giáo dục giới tính

.

Giáo dục giới tính trong trường học với những bài nói chuyện khuôn phép có lẽ đã quá lạc hậu so với sự phát triển của xã hội và lứa tuổi vị thành niên. Sự hiểu biết về giới tính, an toàn tình dục mới dừng lại ở những bài học lý thuyết. Nếu gặp tình huống cụ thể, nhiều bạn trẻ “ngơ ngác” không biết cách bảo vệ mình. Sự bảo vệ này ngoài vì sức khỏe nói chung, còn tính đến sức khỏe sinh sản (để duy trì nòi giống) và tâm lý.

Tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, trong đó có vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên được Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đà Nẵng triển khai thường xuyên ở các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, trong đó có vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên được Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đà Nẵng triển khai thường xuyên ở các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Dám làm “chuyện lớn”, bỏ qua “chuyện nhỏ”

Bác sĩ Lê Văn Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng nhận định: tuổi quan hệ tình dục (QHTD) trong thanh thiếu niên ngày càng sớm nhưng sự hiểu biết của các em về các biện pháp bảo vệ an toàn đúng cách thì khá hạn chế, và hậu quả cuối cùng là em nữ có thai, có thể dẫn đến phá thai.

Có nhiều yếu tố dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Bác sĩ Huệ phân tích: Hiện nay các trường THCS, THPT đều chủ động mời báo cáo viên đến nói chuyện về sức khỏe sinh sản; bộ môn sinh học cũng nói khá đầy đủ về vấn đề này. Có nghĩa là phần lớn các em được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục. Nhưng sự hiểu biết đó chỉ mới giới hạn về chuyện giới tính, và những chuyện phía sau đó như QHTD sớm sẽ dẫn đến hậu quả gì, trách nhiệm của em trai trong vấn đề này như thế nào, các em có thể sử dụng những biện pháp tránh thai nào… thì nhiều em còn “mù tịt”.

Ngoài ra, cho đến nay, nhiều bậc phụ huynh ngại nói về chủ đề nhạy cảm này với con cái, thậm chí tránh nhắc đến vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”, dẫn đến các em chỉ hiểu biết về giới tính một cách chung chung; từ đó dẫn đến tâm lý ngại nói về chuyện phòng tránh, sử dụng biện pháp an toàn khi QHTD. Nói về vấn đề này, một bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng thốt lên: có nhiều em ngại ngùng khi nhắc đến bao cao su (BCS), không dám đi mua. Họ sẵn sàng làm “chuyện lớn” là QHTD nhưng lại xấu hổ khi làm “chuyện nhỏ” là đi mua BCS (!?).

Giáo dục giới tính - vẫn quá khuôn phép

Trong một số buổi nói chuyện chuyên đề của các bác sĩ về sức khỏe sinh sản ở các trường THPT, thì hầu hết các báo cáo viên chỉ dừng ở chuyện sức khỏe giới tính. Bác sĩ Đoàn Kim Liên, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố Đà Nẵng, cho biết các buổi tuyên truyền chủ yếu giúp tăng nhận thức cho học sinh, lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Nếu nói chuyện với sinh viên, bác sĩ sẽ đi sâu vào vấn đề an toàn tình dục, các biện pháp tránh thai, sống thử, các bệnh lây qua đường tình dục hay chuyện phá thai có thể dẫn đến vô sinh…

Trong khi đó, cô Ngô Nguyễn Vũ Bình, giáo viên Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, quận Thanh Khê cho biết, việc giáo dục giới tính cho học sinh lứa tuổi này là rất cần thiết. Vì có nhiều chuyện như sự thay đổi của cơ thể, thậm chí chuyện có người để ý, có người yêu, các em có thể trao đổi với bạn bè nhưng không bao giờ trò chuyện với cha mẹ.

Đặc biệt là năm 2012, dự án “Hành trình yêu thương” do tổ chức Hòa bình và phát triển của Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ triển khai ở 30 trường THCS trên địa bàn Đà Nẵng, học sinh rất thích học. Các em có thể trao đổi với giáo viên về cơ thể mình, có những vấn đề tế nhị cần hỏi thì các em ghi trên giấy màu, nhờ thầy cô bổ sung kiến thức. Chuyện các em ít hoặc không bao giờ nói chuyện với cha mẹ về vấn đề này do cha mẹ ít chăm lo đến con, ít trò chuyện một cách thoải mái với con về sức khỏe sinh sản hay hiểu biết về tình dục an toàn. Cô Vũ Bình nhấn mạnh:

Thông qua những bài học của “Hành trình yêu thương”, cô giáo chia sẻ thoải mái với học sinh những vấn đề nhạy cảm và tế nhị, học sinh cởi mở để chia sẻ với cô, dù có ý kiến phụ huynh cho rằng như thế là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng trên thực tế giáo viên biết một vài em có bạn trai/bạn gái. Các em biết hẹn hò, đi chơi. Thậm chí lứa tuổi 14-15 có em đã QHTD. Nhưng để giáo viên nói về an toàn khi QHTD, nói về cách phòng tránh có thai ngoài ý muốn thì đi quá xa với giáo viên. Chúng tôi chỉ được phép nói các vấn đề trong khuôn khổ môi trường giáo dục.

Giáo dục giới tính trong trường học với những bài nói chuyện khuôn phép có lẽ đã quá “lạc hậu” so với sự phát triển của xã hội và với lứa tuổi vị thành niên, sinh viên hiện nay. Sự hiểu biết về giới tính, an toàn tình dục mới dừng lại ở những bài học lý thuyết. Nếu gặp tình huống cụ thể, nhiều bạn trẻ “ngơ ngác” không biết cách bảo vệ mình. Sự bảo vệ này ngoài vì sức khỏe nói chung, còn tính đến sức khỏe sinh sản (để duy trì nòi giống) và tâm lý.

Còn né tránh chuyện “nhạy cảm”

Ở Việt Nam hiện nay, chính người lớn cũng ngại ngùng khi nói đến chuyện mua BCS; trong khi đây là mặt hàng được bán công khai trong các nhà thuốc, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Tâm lý “ngại” khi mua BCS khá phổ biến, không chỉ với các bạn trẻ, nhiều người dù đã lập gia đình vẫn thấy ngại khi phải đi mua phương tiện đảm bảo an toàn sức khỏe tình dục này.

Chị T.H (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) 32 tuổi, đã có một con 2 tuổi tâm sự: Mỗi lần chị hoặc chồng vào nhà thuốc mua BCS là trùm kín mặt mũi. Sau vài lần cảm thấy bất tiện, chị liền đặt mua hàng trực tuyến. Nhân viên chuyển hàng đến nhà và không biết trong gói hàng đó có gì. Nhờ vậy chị thấy thoải mái hơn nhiều! Bạn Nguyễn Công Tín, sinh viên khoa Điện-Điện tử Trường ĐH Duy Tân, trưởng nhóm đề tài nghiên cứu về máy phát BCS tự động, cho biết, mỗi đêm các bạn đặt vào hộp 50 BCS (máy đặt tại Văn phòng Quận Đoàn Hải Châu) và con số lưu lại trên máy cho biết thời gian người ta đến lấy BCS nhiều nhất trong khoảng 24 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Và 2.000 BCS do Chi cục Dân số thành phố cung cấp hết vèo trong khoảng thời gian ngắn. Khi lắp đặt thêm 2 máy phát BCS miễn phí ở quận Liên Chiểu, số lượng và “tốc độ” người đến lấy cũng không kém. Bác sĩ Phạm Thị Đào, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, trước đây có một dự án cung cấp BCS đặt tại các khách sạn, nhà nghỉ. Đầu năm 2015, dự án tạm dừng thì qua kiểm tra của Trung tâm, vẫn có trên 50 khách sạn, nhà nghỉ tự mua BCS và phát miễn phí cho khách trọ.

Người lớn nói chung vẫn giữ thái độ tảng lờ khi con trẻ hỏi khi thấy bảng hiệu quảng cáo về BCS, cho rằng đây là việc của người lớn chứ không phải của trẻ con. Điều này dẫn đến việc khi đã đến tuổi trưởng thành, nhiều bạn trẻ vẫn chưa hiểu tác dụng của BCS là gì, né tránh việc tìm hiểu một cách công khai và cuối cùng là bị hổng kiến thức về một phương pháp bảo vệ an toàn tình dục.

Nhiều phụ huynh khi được hỏi cho rằng con chưa đủ tuổi, cơ thể con chưa sẵn sàng cho việc có QHTD, nhưng lại quên mất sự chuẩn bị về mặt tâm lý, tinh thần và giáo dục những biện pháp an toàn cho con mình, như các bệnh lây lan qua đường tình dục hay có thai ngoài ý muốn. Như vậy, vai trò của 1.843 cộng tác viên dân số trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay là cần hướng dẫn về giáo dục giới tính cho chính cha mẹ, để cha mẹ có thể hướng dẫn cho con.

Trong năm học 2016-2017, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tổ chức tuyên truyền 30 buổi ở các trường THPT của 7 quận, huyện, trong sinh viên các trường cao đẳng, đại học và thanh niên công nhân các khu công nghiệp. ThS. Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng cho biết, khoảng 5 năm trước mỗi năm có 2 lần trường mời chuyên gia về nói chuyện giới tính cho sinh viên, có cấp phát BCS miễn phí. Những năm gần đây các buổi nói chuyện về tình yêu, về an toàn tình dục được đề cập trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm học hoặc trong buổi chào cờ toàn trường tổ chức mỗi tháng 1 lần.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.