Sáng kiến bảo vệ môi trường của sinh viên

.

Mô hình xử lý nước thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ của nhóm sinh viên (SV) Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng gồm Lâm Hưng Thắng, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Thị Thu Hương (khoa Môi trường) và Nguyễn Duy Hùng (khoa Điện), đang tham gia ngày hội nghiên cứu khoa học Tech Show 2017 do ĐH Đà Nẵng tổ chức, và từng đoạt giải nhì tại Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp trường, được đánh giá cao bởi mô hình góp phần giúp giảm thiểu tác hại đến môi trường thủy sinh từ nước thải sản xuất của các cơ sở dệt nhuộm.  

Nhóm sinh viên chế tạo mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm mong muốn chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Nhóm sinh viên chế tạo mô hình Xử lý nước thải dệt nhuộm mong muốn chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Chia sẻ ý tưởng của mình, Lâm Hưng Thắng cho biết, hiện nay, nước thải từ ngành dệt nhuộm tác động không nhỏ đến môi trường; đặc biệt với bản chất của ngành công nghiệp dệt may là loại hình công nghiệp đa dạng về chủng loại sản phẩm và có sự thay đổi lớn về nguyên liệu, thuốc nhuộm gây ô nhiễm chính cho nguồn nước. Phần lớn các chất nhuộm đều là các hợp chất hữu cơ độc hại, gần như rất khó để phân hủy sinh học. Khi thải ra môi truờng, sẽ tồn tại rất lâu hoặc chỉ phân hủy một phần.

Đây là nguyên nhân hình thành nên các tác nhân gây đột biến đối với sinh vật thủy sinh và các bệnh hiểm nghèo cho con người. Trăn trở trước điều đó, Thắng cùng nhóm bắt tay tìm tòi, nghiên cứu và lựa chọn vật liệu keo tụ mới là PGá21Ca.

PGá21Ca có nguyên liệu chính là poly-gamma glutamic axit (PGA) là polyme tự nhiên được trùng hợp từ axit glutamic - một chất rất quan trọng đối với sinh vật và là một loại axit min cấu tạo nên protein được lấy từ món ăn Natto của Nhật Bản, là một polymer sinh học có khả năng tự phân hủy sinh học, không độc hại nên PGA được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, y tế, mỹ phẩm và xử lý nước.

Mặt khác, việc ứng dụng và đánh giá hiệu quả xử lý nước thải dệt nhuộm của vật liệu này chưa được nghiên cứu rộng rãi tại Việt Nam.

Có ý tưởng, thiết kế được mô hình, nhóm bắt tay vào nghiên cứu trong hai tháng. “Mỗi bạn chia nhau phụ trách một việc. Tranh thủ thời gian không có giờ học trên giảng đường, nhóm họp bàn để thống nhất ý kiến. Chỗ nào còn vướng mắc thì tìm đến nhờ sự hướng dẫn của TS Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên khoa Môi trường. Chi phí cho việc làm mô hình, mua hóa chất thí nghiệm… cũng tốn khá nhiều, vượt ra ngoài khả năng của túi tiền SV, nên ngoài số kinh phí hỗ trợ của nhà trường, nhóm lại nhờ đến sự viện trợ của cô Thùy”, Hưng Thắng chia sẻ.

Mất hai tháng để hoàn thành sản phẩm, trong đó các bạn dành một nửa thời gian để đi lấy mẫu thử nghiệm tại Công ty CP Dệt Hòa Khánh. Và mỗi lần nhà máy nhuộm dệt một màu khác nhau nên nhóm phải kỳ công đi lấy từng mẫu màu để đưa ra được thông số tối ưu.   

Mô hình hoàn thành sau nhiều nỗ lực nghiên cứu của nhóm, gồm: Bể chứa nước thải dệt nhuộm; bể phản ứng - keo tụ; bể chứa nước sau xử lý; bộ phận châm hóa chất; cánh khuấy được điều khiển tự động hóa tốc độ khuấy để tăng cường sự tiếp xúc giữa vật liệu keo tụ và chất ô nhiễm giúp quá trình phản ứng keo tụ được diễn ra nhanh và hiệu quả; van xả nước cặn và các bông keo tụ vào bể chứa cặn.

Thắng cho biết, ưu điểm lớn nhất của mô hình này là đáp ứng được khả năng xử lý độ màu đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không cần phải trung hòa pH nước sau xử lý; mô hình có cấu tạo đơn giản, quản lý vận hành và bảo dưỡng dễ dàng; lượng hóa chất được châm vào vừa đủ để xử lý sau khi người sử dụng đã xác định nồng độ đầu vào… Mặt khác, mô hình góp phần đơn giản trong công tác giám sát và quản lý của nhân viên, trong việc vận hành và quản lý hệ thống xử lý nước thải tại các doanh nghiệp.

Với khả năng ứng dụng thực tiễn cao, trong tương lai các bạn sẽ thiết kế thêm hệ thống quan trắc nước sau xử lý cũng như nâng cấp bể phản ứng có thể tích lớn hơn để áp dụng cho các nhà máy dệt nhuộm. Hạn chế sự tiêu tốn ít năng lượng, đặc biệt có thể cải tiến sử dụng năng lượng mặt trời và hướng tới mô hình có thể xử lý được cả chất hữu cơ.

Nói về sản phẩm của nhóm, TS Lê Thị Xuân Thùy cho rằng, sản phẩm có thể xử lý được tất cả màu của nước thải dệt nhuộm nên nó sẽ áp dụng cho các nhà máy mới mở mà không có diện tích lớn hoặc trong trường hợp  các nhà máy đã sản xuất và muốn tăng công suất của nhà máy. Mô hình này cũng là tiền đề không chỉ giúp SV có động lực trong nghiên cứu khoa học mà còn mở ra hướng mới giúp các cơ sở dệt nhuộm có nhiều hơn các sự lựa chọn trong khâu xử lý chất thải để đảm bảo môi trường.

THIÊN LAM
 

;
.
.
.
.
.