.

Bác sĩ của bệnh nhi

.

Một đứa bé 5 tuổi nhưng chưa bao giờ nói, luôn tìm nơi để trốn mình, không tiếp xúc với ai. Chị kiên nhẫn cầm tô cơm nhỏ nhẹ: “Con nói “cơm” đi rồi cô sẽ cho con ăn”. Nào… “C”…”C”. Đứa bé không hợp tác, gào khóc điên cuồng. Chị vẫn đứng đó nhẫn nại, chậm rãi nhắc lại từng từ một.

Đó là một ngày trong rất nhiều ngày làm việc của bác sĩ Trần Thị Hải Vân - bác sĩ chuyên khoa 1, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

“Đối xử với bệnh nhân bằng trái tim của người mẹ”

Bác sĩ Hải Vân thường nói với những nhân viên điều dưỡng trong khoa mình như thế. Với chị, bệnh nhân đã phải đến với Bệnh viện Tâm thần thì chẳng còn ai là bình thường cả; đặc biệt là trẻ em. Cho nên, nhân viên y tế ngoài việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý thể chất, còn phải là người mẹ hiền ôm ấp, vuốt ve, nói với trẻ những lời ngọt ngào, tình cảm để trẻ cảm nhận được sự chở che, bảo bọc của người mẹ.

Hơn 20 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, trong đó có 12 năm với bệnh nhi tâm thần, chị Vân vẫn luôn rơi nước mắt mỗi khi phải cột tay, cột chân những bệnh nhân lên cơn. Có lẽ, khác với các bác sĩ chuyên ngành khác, chữa bệnh bằng máy móc và trang thiết bị y khoa, bác sĩ ngành tâm thần cần nhất một trái tim nhân hậu. Mỗi hành động, lời nói của chị đều tự nhiên từ trái tim nên bệnh nhi chỉ mới mười mấy tháng tuổi đã cảm nhận được. Khi được chị bồng bế trên tay, những đứa trẻ rối loạn hành vi, khóc hoài không nín bỗng… im bặt, ngoan ngoãn nằm yên.

Tận mắt nhìn bác sĩ Hải Vân chăm sóc bệnh nhân mới thấy hết tình thương của một lương y dành cho người bệnh. Một đứa bé 5 tuổi nhưng chưa bao giờ nói, luôn tìm nơi để trốn mình, không tiếp xúc với ai. Chị kiên nhẫn cầm tô cơm nhỏ nhẹ: “Con nói “cơm” đi rồi cô sẽ cho con ăn”. Nào… “C”…”C”. Đứa bé không hợp tác, gào khóc điên cuồng. Chị vẫn đứng đó nhẫn nại, chậm rãi nhắc lại từng từ một. 15 phút trôi qua, cả cô và trò đều toát mồ hôi, mắt chị đã ướt đẫm khi chứng kiến sự dằn vặt của đứa trẻ. Cuối cùng, đứa bé cũng chịu thua sự kiên nhẫn của chị mà bật ra một từ tuy chưa rõ lời. Cha mẹ cháu đứng ngoài đều nước mắt lưng tròng. Nuôi con bao năm nay, lần đầu tiên được nghe tiếng con nói dù đó chỉ là âm bật hơi.

Nhiều điều dưỡng trong khoa Tâm thần trẻ em kể, dù ở vị trí trưởng khoa, không trực tiếp chăm sóc người bệnh nhưng gặp những “ca” khó, chị Vân đều lao vào tham gia. Chị ôm những đứa trẻ như ôm con mình, xoa đầu, vuốt tóc, thậm chí hát ru. Nhiều điều dưỡng mới ra trường gặp chị đã thốt lên: “Chị Vân giống cô giáo mầm non hơn là bác sĩ!”.

Sáng tạo trong công việc

Sáng tạo, đối với bác sĩ Trần Thị Hải Vân, chỉ đơn giản là để không còn nhìn thấy những giọt nước mắt đau khổ của những ông bố, bà mẹ có con bị bệnh tự kỷ.

Trước năm 2008, khi ở Đà Nẵng chưa có bất kỳ trung tâm, bệnh viện nào chuyên sâu về chữa trị tự kỷ thì bác sĩ Hải Vân đã lao vào nghiên cứu mảng này. Chị tìm tòi, đọc tài liệu trên mạng, tranh thủ những chuyến đi công tác ở Hà Nội tìm đến các trung tâm về tự kỷ để tìm hiểu. Sau khi đã tích lũy kha khá kiến thức, trong tay chỉ có một nhân viên phục hồi chức năng và một nhân viên tâm lý, chị mạnh dạn đề xuất Ban Giám đốc Bệnh viện Tâm thần thành lập phòng chuyên can thiệp-giáo dục hành vi và chữa trị cho bệnh nhân tự kỷ. Nhận được sự ủng hộ của Ban Giám đốc, chị lao vào chuẩn bị. Một căn phòng làm việc với nhiều hình con thú nhỏ xinh xinh, đồ chơi cho trẻ em, búp bê... ra đời. Chị giải thích: “Ở đây, bệnh nhân đều là trẻ con nên tôi muốn tạo cho các cháu tâm lý thoải mái như đang ở nhà. Đi chữa bệnh cũng là đi chơi”.

Từ “vốn” đầu tiên đó, mỗi chuyến đi công tác, chị đều dành thời gian đi mua… thú nhồi bông, xe bập bênh, xe đẩy để “tô màu” thêm cho khu vui chơi của mình. Nhờ sự nỗ lực của bác sĩ Vân, phòng khám tự kỷ của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hiện nay là một trong những địa chỉ đáng tin cậy của các bậc phụ huynh không may có con bị bệnh.

Câu nói: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” - một câu nói ngắn gọn của Bác, nhưng hàm chứa biết bao ý nghĩa cao cả, rất đúng với chị Vân. Chị ngại ngùng chia sẻ: “Tôi xem câu nói đó là niềm vinh dự của người thầy thuốc và không xem đó là trách nhiệm nặng nề. Bởi những việc tôi làm cho bệnh nhi đều xuất phát từ trái tim mình. Liều thuốc y khoa rất cần thiết nhưng chỉ có sự yêu thương, kề cận chăm sóc mới cứu vớt được tâm hồn các cháu”.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.