.

Người phụ nữ nhân hậu

.

Về thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, chỉ cần hỏi tên bà Ngô Thị Hồng, ai cũng biết. Bởi bà Hồng không chỉ giỏi làm kinh tế, mà còn là người phụ nữ có trái tim nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người chung quanh.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc

Sau hơn 30 năm công tác trong ngành dệt may, năm 2004, bà Ngô Thị Hồng nghỉ hưu, sinh sống tại quê nhà ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Thường thì khi về già, người ta nghỉ ngơi, vui chơi cùng con cháu, sống những giây phút an nhàn, nhưng với bà Hồng thì không như thế. Bà nghĩ cách làm ăn, giúp đỡ những phụ nữ đơn thân, bệnh tật ở địa phương có công ăn việc làm.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc, năm 2004, bà mở xưởng thu mua vải vụn, vải đầu khúc ở các công ty may trên địa bàn miền Trung về chọn lựa những mảnh vải còn sử dụng được, bán cho các cơ sở may áo quần, mũ, nón, khẩu trang… Ngày ngày, bà Hồng tất bật làm việc, quyết tâm làm giàu trên đống vải vụn. Thấy những người phụ nữ quê còn quá nghèo khó, lúc nông nhàn cũng chẳng thể kiếm được việc làm thêm, bà Hồng thu nhận họ vào làm việc.

 “Hồi xưởng mới thành lập cực lắm. Tôi đi khắp nơi để tìm mối thu mua vải bỏ của các công ty, xí nghiệp may. Sau đó, kết nối với các cơ sở thu mua và xuất hàng gia công ở tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng để có chỗ tiêu thụ đầu ra”, bà Hồng nhớ lại.

Dần dà có mối thu mua, hàng tiêu thụ ổn định, xưởng thu mua vải vụn của bà ăn nên làm ra. Trung bình mỗi tháng, bà Hồng tạm nhập, tái xuất hơn 30 tấn vải vụn, vải đầu khúc… cho các cơ sở gia công ở khu vực miền Trung làm chăn bông, nệm lót, thảm chùi chân, găng tay... Đến nay, công nhân trong xưởng của bà có hơn 30 người, chủ yếu phụ nữ đơn thân, người tàn tật, với mức thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/tháng.

Chị Ngô Thị Thu, trú tổ 5, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu làm việc cho xưởng thu mua vải rẻo của bà Hồng đến nay đã tròn 6 năm. Chị cho biết, ở quê chủ yếu làm nông, chị em lại không biết đi xe đạp, nên chẳng mấy ai đi xa. Khi rảnh rỗi chẳng biết làm việc gì để kiếm thêm thu nhập. Nhờ bà Hồng nhận vào làm việc phân loại vải, chị có thêm thu nhập ổn định mỗi tháng hơn triệu 3 đồng đủ trang trải chi phí cho hai mẹ con. “Bà Hồng sống có tình lắm. Ngoài lương hằng tháng, mấy chị em làm việc ở đây chẳng may gia đình có gặp khó khăn, hoạn nạn, bà ra tay giúp đỡ ngay”, chị Thu tâm sự.

Sẻ chia với những người bất hạnh

Làm ăn khấm khá, thu nhập ổn định, vốn có tính thương người, hơn 10 năm nay, bà Ngô Thị Hồng luôn giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn, bệnh tật ở nhiều nơi. Ở trong xóm, có chị Ông Thị Nên (47 tuổi) bị câm điếc bẩm sinh, không chồng con, sống với cha mẹ già yếu. Gần 10 năm nay, bà Hồng nhận chị Nên về xưởng làm tạp vụ với mức lương hằng tháng 3 triệu đồng.

Không chỉ giúp đỡ người dân trong xóm, bà Hồng còn dang rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh trong cộng đồng. Trung bình hằng năm, bà Hồng trích khoảng 50 triệu đồng làm công tác từ thiện xã hội, khi thì nấu cháo cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện, tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hỗ trợ học sinh nghèo, bảo trợ cho trẻ em bị bỏ rơi trong chùa, góp kinh phí khám, chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo…

Bà Ngô Thị Hồng tâm sự: “Với tư cách là một đảng viên, sống trong gia đình có truyền thống cách mạng nên suốt đời tôi nguyện học tập theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Hình ảnh, việc làm của Bác luôn ăn sâu trong tâm trí tôi, làm việc gì có ích cho đời thì làm. So với bà con chung quanh, tôi may mắn có được công việc và cuộc sống khá hơn, nên chuyện giúp đỡ những người nghèo khó, bất hạnh là điều nên làm. Tôi nguyện sẽ nỗ lực làm việc để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa, cho đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”.  

Theo bà Ông Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu, chị Hồng là một trong những phụ nữ có trái tim nhân hậu, thương người. Chị giúp người không theo chủ đề, chủ điểm nào cả, chỉ làm theo cái tâm của mình. Hễ thấy ai đau ốm, ngặt nghèo ở đâu chị cũng tìm đến giúp đỡ, có khi vài trăm, có khi vài triệu đồng. Đặc biệt, nhờ vào sự giúp đỡ của chị nên nhiều chị em nghèo, khuyết tật được tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Với những thành tích đạt được trong lao động, sản xuất, kinh doanh, trong những năm qua, bà Ngô Thị Hồng được được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND thành phố Đà Nẵng và các cấp hội. Đặc biệt, tháng 12-2015, bà Hồng vinh dự là một trong những tấm gương tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 năm 2015 tại thủ đô Hà Nội.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.