4 an

Giúp thoát nghèo bền vững

08:36, 28/10/2016 (GMT+7)

Cuối năm 2016, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) phấn đấu xóa 95/300 hộ nghèo theo chuẩn mới. Để làm được điều này, bên cạnh việc tích cực vận động nhân dân đóng góp cho Quỹ vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Xuân Hà vận dụng nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ nghèo nhằm giúp họ sử dụng hiệu quả nguồn quỹ, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Trần Thị Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Xuân Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ phường Xuân Hà về công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm, Mặt trận phường phối hợp với UBND phường và các hội, đoàn thể mở các đợt tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm vận động đóng góp Quỹ vì người nghèo.

Cùng với đó, Ban công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp với các tổ dân phố tổ chức họp dân nêu rõ mục đích vận động và sử dụng Quỹ vì người nghèo để nhân dân nắm rõ; đồng thời tranh thủ sự hưởng ứng, hỗ trợ của người dân, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên đương chức và đảng viên trong chi bộ để cuộc vận động đạt hiệu quả cao.

So với các phường trên địa bàn quận Thanh Khê, phường Xuân Hà người dân chủ yếu buôn bán nhỏ nên công tác vận động gặp không ít khó khăn. Do đó, Mặt trận phường đã tận dụng các mối quan hệ thân quen và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các chùa đóng trên địa bàn. Nhờ vậy, từ năm 2001 đến 2016, Ban vận động Quỹ vì người nghèo của phường đã vận động được hơn 1,8 tỷ đồng, đạt 153,6% kế hoạch giao. Riêng năm 2016 vận động được 346 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 85 triệu đồng.

Bên cạnh đó, phường còn đẩy mạnh xây dựng các mô hình tiết kiệm, như: mô hình “Nuôi heo giúp đỡ hộ nghèo”, “Địa chỉ nhân đạo”. Đến nay, toàn phường xây dựng được 75 địa chỉ nhân đạo và vận động quyên góp được 108 triệu đồng/năm từ các đảng viên đương chức để giúp đỡ các địa chỉ nhân đạo này. Đặc biệt, các khu dân cư trên địa bàn phường còn xây dựng mô hình quỹ tiết kiệm.

Khi mới bắt đầu thực hiện mô hình này vào năm 1997, mỗi hộ chỉ đóng góp 200 đồng/ngày thì đến nay đã đóng góp trên 20.000 đồng/ngày, thậm chí có hộ đóng góp 200.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, mỗi năm, mỗi khu dân cư tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng và toàn phường tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm này được dùng để giúp nhiều hộ vay lại không lãi suất khi gặp khó khăn, hoạn nạn như ốm đau, sửa chữa nhà, đóng học phí cho con….

Theo bà Trần Thị Nhung, để sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ vì người nghèo, hằng năm, Mặt trận phường tổ chức đối thoại với các hộ nghèo trên địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, sau đó đi khảo sát thực tế từng hộ nghèo. Trên cơ sở đó, Ban vận động Quỹ vì người nghèo của phường xem xét từng trường hợp đặc biệt để hỗ trợ tiền hoặc phương tiện sinh kế như xe nước mía, máy may, xe bán hàng, ngư lưới cụ…

Song song đó, Mặt trận phường còn giúp các hộ nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở xuống cấp, dột nát. Trước khi triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở, Mặt trận phường trực tiếp mời các hộ được hỗ trợ lên làm việc cụ thể về thời gian, thiết kế, cách thức xây dựng; đồng thời giao trách nhiệm cho Ban công tác Mặt trận khu dân cư giám sát, theo dõi, giúp đỡ các hộ dân trong việc xây dựng, sửa chữa nhà nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình thi công.

Ngoài số tiền hỗ trợ từ các cấp, các hộ nghèo còn vận động anh, chị em, bà con tộc họ hỗ trợ tiền xây dựng, sửa chữa nhà, góp phần cùng với Mặt trận phường xóa hết nhà tạm. “Từ đầu năm đến nay, toàn phường đã sửa chữa được 23 căn nhà với tổng số tiền 275 triệu đồng.

Đây là thắng lợi trong cuộc vận động bởi nếu không có sự hỗ trợ của Quỹ vì người nghèo thì bản thân các hộ nghèo không có điều kiện để nỗ lực vươn lên, có được mái ấm để “an cư lạc nghiệp”. Tuy số tiền hỗ trợ chưa nhiều nhưng đã góp phần giải quyết những khó khăn về nhà ở; từ đó, họ yên tâm lao động sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia đóng góp đầy đủ các nghĩa vụ công dân ở khu dân cư”, bà Trần Thị Nhung khẳng định.

Gia Huy

.