.

An sinh xã hội theo cách của phụ nữ

Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đề ra nhiều cách làm cụ thể nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội (ASXH); qua đó đặt mục tiêu hỗ trợ gần 5.000 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn và hàng ngàn phụ nữ có việc làm.

Điển hình trong cách làm này là Hội LHPN quận Sơn Trà thực hiện thí điểm mô hình “Tấm áo tình thương – Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”. Với mô hình này, cán bộ, hội viên và người dân có quần áo còn sử dụng tốt nhưng không sử dụng thì tự nguyện ủng hộ tại nhà sinh hoạt của khu dân cư để người có hoàn cảnh khó khăn đến lấy về sử dụng. Với mỗi sản phẩm được chọn, người nhận quần áo sẽ ủng hộ lại 2.000 đồng vào thùng tiết kiệm như cách trao đổi chứ không mang nặng yếu tố xin – cho.

Nói về cách làm này, bà Trần Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN quận Sơn Trà cho biết: “Ngay sau khi thành phố có đề án “Thành phố 4 an”, Hội Phụ nữ quận cũng đã định hướng cho các Hội cơ sở lựa chọn một trong 4 chủ đề áp dụng tại địa phương, tùy theo điều kiện thực tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các địa phương khác mạnh dạn lựa chọn mô hình và triển khai trong thời gian tới”.

“Tấm áo tình thương” chỉ là một trong số hàng trăm mô hình trong chương trình ASXH của các cấp Hội LHPN thành phố. Tại quận Cẩm Lệ, các cấp Hội Phụ nữ duy trì và phát triển mạnh những “Địa chỉ hồng”. Chi hội 12 phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ có 112 hội viên, trong đó phần lớn là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, thu nhập không ổn định và có đông phụ nữ nằm trong diện nghèo vào năm 2011. Từ cái khó ấy, Chi hội đã mạnh dạn hình thành 5 “Địa chỉ hồng” về phân loại vải vụn và may gia công quần áo, làm hoa… tạo việc làm tại nhà cho 53 phụ nữ lớn tuổi. Chị Nguyễn Thị Nở, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 12 phường Hòa Phát chia sẻ, cuộc sống của các chị trong Chi hội vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự cần cù, chịu khó, họ đã kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Các cấp Hội LHPN còn tạo sự đột phá trong việc phát huy vốn nội lực trong hội viên thông qua nhiều mô hình như: góp vốn quay vòng, quỹ vì phụ nữ nghèo, quỹ tín dụng tiết kiệm, nuôi heo đất… Nguồn vốn này không chỉ giúp các chị lúc ngặt nghèo mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau, vươn lên trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, các cấp Hội LHPN thành phố thực hiện khá hiệu quả chương trình ASXH bằng nhiều giải pháp thiết thực kết hợp giữa hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế với hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế… 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ của thành phố giúp trên 28.000 lượt hộ nghèo phát triển kinh tế, trong đó hơn 12.000 hộ thoát nghèo. “Đây là tiền đề quan trọng để các cấp Hội LHPN thành phố tạo chuyển biến mới về hình thức vận động, giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ trong lao động sản suất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững. Chúng tôi cũng đặt chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch thực hiện chương trình 4 an như: hỗ trợ gần 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển do Hội LHPN quản lý; đào tạo, tư vấn 24.000 lao động nữ; 80% phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn từ nguồn của Ngân hàng Chính sách và các nguồn lực khác; 300 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được xây mới, sửa chữa nhà ở… Với nhiều giải pháp hỗ trợ, Hội LHPN thành phố kỳ vọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách ASXH của thành phố, đặc biệt chương trình “Thành phố 4 an”, bà Hà nhấn mạnh.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.