.

"Mạnh tay" với vi phạm hạ tầng dành cho xe buýt

.

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 690 điểm dừng và nhà chờ xe buýt, trong đó có hàng chục điểm dừng, đỗ, nhà chờ thường xuyên bị chiếm dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng nhà chờ, điểm dừng xe buýt đang bị chiếm dụng lớn hơn nhiều so với thống kê, đối tượng chủ yếu là ô-tô các loại.

Có mặt trên tuyến xe buýt số 12, Thọ Quang - Trường Sa đi qua các tuyến đường: Hoàng Sa - Lê Đức Thọ - Yết Kiêu - Ngô Quyền - Trần Thánh Tông - Khúc Hạo - Lý Nhật Quang - Chu Huy Mân - cầu Thuận Phước - Xuân Diệu- đường 3 Tháng 2 - Đống Đa - Lý Tự Trọng - Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Hàm Nghi - Lê Đình Lý - Duy Tân - cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Thoại - bãi đỗ xe Trường Sa (Công viên Biển Đông), chúng tôi thấy có nhiều điểm dừng, đỗ, nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi chứa hàng, làm điểm tập kết rác, đỗ xe ôm đón khách, nhất là đậu đỗ ô-tô các loại, gây cản trở việc lên xuống của hành khách. Tình trạng này cũng xảy ra trên các tuyến xe buýt số 11, số 7, số 8, các tuyến xe buýt Đà Nẵng - Hội An, Đà Nẵng - Ái Nghĩa, Đà Nẵng - Phú Đa...

Lái xe Trần Mạnh Hùng, tuyến xe buýt số 12, đoạn  Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Hàm Nghi - Lê Đình Lý... phàn nàn: “Các điểm dừng, đỗ của xe buýt thường xuyên bị ô-tô các loại đậu dãy dài lấn chiếm, hành khách lên xuống xe phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Đặc biệt, vào buổi trưa và cuối giờ chiều, hầu như xe buýt đều không thể vào được các điểm dừng, đỗ. Riêng các điểm ở tuyến đường Hùng Vương - Hàm Nghi - Lê Đình Lý, Bệnh viện Đà Nẵng, đường Quang Trung, trước Trường Đại học Thể dục thể thao, đường Dũng Sĩ Thanh Khê, hầu như lúc nào cũng bị lấn chiếm do hàng chục ô-tô đậu chật kín dưới lòng đường. Cụ Trần Anh, nhà ở đường Lê Đình Lý, phàn nàn: “Không chỉ cản trở việc dừng, đỗ của xe buýt, các loại ô-tô đậu kéo dài hàng trăm mét còn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT)”.

Ở trung tâm thành phố, các điểm dừng, đỗ xe buýt thường bị ô-tô lấn chiếm; trong khi ở ngoại thành, các điểm này trở thành nơi tập kết rác, xả rác thải… Đã vậy, không ít nhà chờ xe buýt bị hư hỏng, xuống cấp do các đối tượng thiếu ý thức đập phá. Bản đồ các tuyến xe buýt thường xuyên bị bóc dỡ, vách nhà chờ bị bôi bẩn gây mất vệ sinh...

Trước tình trạng này, lãnh đạo Công ty Quảng An, đơn vị vận hành 5 tuyến xe buýt trợ giá, kiến nghị các lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng xe buýt của xe ôm, ô-tô và người bán hàng rong; tăng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, xử lý. Công an, chính quyền sở tại cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT cho người dân, nhất là đối với những người sinh sống trên địa bàn có các điểm dừng đỗ, nhà chờ dành riêng cho loại phương tiện này; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Thanh tra giao thông - Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết: “Để bảo đảm TTATGT, tạo điều kiện để xe buýt phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự đã phối hợp triển khai lực lượng tuần tra, xử phạt các vi phạm lấn chiếm nhà chờ xe buýt... Đối với ô-tô đậu đỗ lấn chiếm điểm dừng, nếu không có chủ xe, chúng tôi thực hiện xử phạt bằng dán giấy phạt lên xe, có chủ xe chúng tôi ghi giấy phạt trực tiếp và tăng nặng mức phạt nếu cố tình vi phạm nhiều lần”.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.