Giảm tai nạn giao thông đến thấp nhất

5 tháng đầu năm 2017, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố có giảm so với cùng kỳ, đáng chú ý là giảm trên cả 3 tiêu chí; tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, các ngành chức năng của thành phố vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất.

Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2017, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của thành phố đã phát huy hiệu quả; do vậy, đã kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về TNGT. Song, tình hình TTATGT trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao khi một số điểm đen về TNGT chưa được giải quyết triệt để; tình trạng xe tải, xe ben phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn vẫn còn xảy ra; đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân chưa cao. Đáng chú ý, không chỉ gây TNGT mà người vi phạm còn hành xử gây bất ổn xã hội. Đó là trường hợp vụ va chạm giao thông giữa Đinh Công Nguyên (SN 1991, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) và anh Huỳnh Đình Th. (SN 1980, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) vào những ngày đầu tháng 5-2017 vừa qua. Sau va chạm, Nguyên đã dùng dao đâm hai anh em anh Th. trọng thương.

Phân tích về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công an thành phố cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn kém. Nếu ai cũng có ý thức chấp hành tốt, tuân thủ đúng quy tắc bảo đảm TTATGT khi tham gia giao thông, đi đúng phần đường, không phóng nhanh, vượt ẩu, sau khi sử dụng rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ ít xảy ra TNGT”.

Dù TNGT 5 tháng đầu năm có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao với 46 vụ TNGT, làm chết 24 người, bị thương 32 người… Lãnh đạo Ban ATGT thành phố cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông bằng trực quan như phướn, băng-rôn, pa-nô, áp phích, tờ rơi... lắp đặt loa tuyên truyền tại các nút giao thông có tín hiệu đèn; tổ chức giảng dạy, nói chuyện chuyên đề tại các khu dân cư, cơ quan, trường học..., các ngành chức năng của thành phố tiếp tục phối hợp, kiểm tra, xử lý phương tiện chở quá tải trọng. Qua đó, siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện xe cơ giới 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần tại Km20+900 quốc lộ 14B, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông; đồng thời, đề xuất UBND thành phố đầu tư 3 bộ cân xách tay về kiểm tra tải trọng xe cho các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang để các lực lượng tổ chức kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn quản lý. Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc xếp hàng hóa lên xe tại các điểm bốc xếp như các mỏ vật liệu, cảng Đà Nẵng, ga Đà Nẵng... Lực lượng chức năng mở các đợt cao điểm trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm về TTATGT, kiên quyết không cho xuất bến đối với các trường hợp vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải…; xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ quy định hoặc cố tình chạy chậm để đón trả khách gây cản trở giao thông… Lực lượng Cảnh sát Đường thủy phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải và các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy nội địa. Trong đó, chú trọng vấn đề phương tiện chở quá tải, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên, người lái phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, vi phạm quy tắc giao thông, nhất là đối với phương tiện chở khách, tàu, thuyền du lịch, khai thác cát, sạn trái phép trên các tuyến sông...

Thành Lân

;
.
.
.
.
.