Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố Đà Nẵng đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố tiến hành xúc tiến, ký kết với nhiều địa phương trong việc giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các loại rau, củ quả, thịt… Việc hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm từ chương trình này không những góp phần ổn định nguồn cung cấp thực phẩm cho thành phố mà chất lượng các mặt hàng này cũng được bảo đảm khi 2 địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố, với quy mô khoảng 1 triệu dân và hơn 5,5 triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (trong năm 2016), vấn đề ATVSTP của Đà Nẵng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Ngoài việc phải cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu, chất lượng thực phẩm là vấn đề cần được quan tâm, nhưng các vùng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, khả năng sản xuất rau trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 9.000 - 10.000 tấn/năm, đáp ứng tối đa 7% nhu cầu. Tương tự, nguồn thực phẩm từ thịt cũng chỉ cung cấp từ 15 - 20%. Các chương trình ký kết hợp tác nhằm kiểm soát tốt hơn nguồn gốc, chất lượng của 80 - 95% sản phẩm rau, quả và thịt từ các địa phương khác nhập về Đà Nẵng. “Trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn giữa các doanh nghiệp của 2 địa phương từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, người tiêu dùng sẽ có thông tin đầy đủ, tin cậy về những địa chỉ, cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn”, ông Ban cho biết.
Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND thành phố đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với một số địa phương như Lâm Đồng, Quảng Nam, Tiền Giang. Nguồn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ các cơ sở sản xuất, phân phối thông qua sự hợp tác, hỗ trợ của lực lượng chức năng tỉnh bạn. Về phía thành phố Đà Nẵng, công tác kiểm soát được thực hiện tại chợ đầu mối Hòa Cường và một số cơ sở bên ngoài. Thông qua chương trình hợp tác, bước đầu đã hình thành các chương trình liên kết giữa đơn vị sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại Đà Nẵng. Chỉ tính riêng tỉnh Tiền Giang, địa phương cung cấp 50% sản lượng trái cây nhập vào Đà Nẵng, hiện đã có 74 doanh nghiệp đăng ký phân phối dưới sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Việc triển khai các chương trình ký kết hợp tác là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp mạnh dạn đăng ký trở thành chuỗi cung ứng, thông qua sự “bảo hộ” về mặt chất lượng của cơ quan Nhà nước. Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản, đến nay đơn vị này đã cấp giấy chứng nhận cho 5 chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn. “Mô hình này hoạt động dựa trên nguyên tắc tự các doanh nghiệp liên kết với nhau, trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về ATVSTP. Ngoài việc giám sát thường xuyên, chúng tôi sẽ chọn và lấy mẫu ngẫu nhiên, nếu chuỗi cung ứng nào không đáp ứng thì chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Tứ cho biết.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, doanh thu bán hàng tại các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn đã tăng từ 15-20%. “Điều đó cho thấy người tiêu dùng bắt đầu chú ý, quan tâm đến chất lượng thực phẩm tại các chuỗi này. Theo lộ trình thời gian đến, UBND thành phố sẽ tiếp tục ký kết chương trình hợp tác, phân phối thực phẩm an toàn với một số địa phương khác, việc xây dựng, phát triển thêm các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc cần làm nhằm cung cấp thêm những địa chỉ tin cậy, bảo đảm ATVSTP phục vụ người tiêu dùng”, ông Nguyễn Phú Ban cho biết thêm.
ĐẠI BÌNH