Chưa tự giác chấp hành quy định an toàn vệ sinh thực phẩm

.

Nhiều lỗi vi phạm rất cơ bản về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được phát hiện trong thời gian gần đây hầu hết xuất phát từ việc chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định của pháp luật.

Dù đã chế biến sữa bắp được 2 tháng, mỗi ngày cung cấp khoảng 100 chai ra thị trường nhưng cơ sở của anh Nguyễn Văn K. (trú tổ 59, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) vẫn chưa bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Vừa qua, khi Ban Quản lý ATTP thành phố đến kiểm tra, anh K. không cung cấp được các loại giấy tờ về đăng ký kinh doanh, điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận kiến thức... “Tôi đã đầu tư kinh phí mua các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chế biến sữa bắp. Nếu bắt buộc phải đóng cửa thì gia đình rất khó khăn, mong cơ quan chức năng hướng dẫn gia đình bổ sung các thủ tục, giấy tờ cần thiết để cơ sở hoạt động trở lại”, anh K. phân trần tại buổi kiểm tra. Được biết, cơ sở của anh K. là một căn nhà thuê tạm trong con hẻm trên đường Thái Thị Bôi. Nền nhà ẩm thấp, chật chội, nhà vệ sinh ngay bên cạnh lò ủ sữa, bếp nấu đặt dưới nền nhà…

Cũng liên quan đến việc sản xuất thực phẩm cạnh nhà vệ sinh, khi đoàn kiểm tra của Ban Quản lý ATTP thành phố đến làm việc, bà Lê Thị O. (trú tổ 27, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) phân trần, dù chế biến đậu khuôn đã nhiều năm nay nhưng bà không hề biết việc sản xuất diễn ra ở cạnh nhà vệ sinh là vi phạm quy định. Cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở của bà O. phải khắc phục những hạn chế, đồng thời tìm hiểu kỹ các quy định, điều kiện về bảo đảm ATTP nếu muốn hoạt động trở lại…

Thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2018, thời gian qua, Ban Quản lý ATTP thành phố đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố cho biết, gần 400 mẫu thực phẩm như ớt bột, bún, chả, rượu, dầu mỡ, bò khô… đã được cơ quan chức năng ngẫu nhiên kiểm nghiệm định tính và thử nhanh hóa học với các chỉ số, thành phần như phẩm màu, formol, hàn the, metanol. Ban Quản lý ATTP cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hơn 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 127 cơ sở vi phạm, xử phạt 68 cơ sở với số tiền hơn 104 triệu đồng. “Có thể nhận thấy, còn nhiều cơ sở vi phạm các lỗi cơ bản như: không có hoặc hết hạn giấy chứng nhận sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, nguy cơ lây nhiễm chéo khi không bảo quản thực phẩm sống và chín riêng biệt, hệ thống thoát nước không bảo đảm. Những vi phạm này chứng tỏ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định pháp luật”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc thay đổi nhận thức của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, chính vì thế, song song với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ quan chức năng cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nắm bắt các quy định, từ đó thay đổi thói quen hằng ngày trong việc chế biến, sử dụng thực phẩm.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.