Cháy, nổ tại doanh nghiệp (DN) thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) chuyên nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức cho người đứng đầu DN trong công tác PCCC.
Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp (KCN), trong đó KCN Hòa Khánh tập trung số lượng lớn doanh nghiệp (DN) với 137 cơ sở và có nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực dễ cháy. Đại úy Trần Lê Minh Dũng, Phó phòng Hướng dẫn - Chỉ đạo về PCCC (Cảnh sát PCCC thành phố) cho biết, không ít DN chỉ chú trọng đến lợi nhuận kinh tế mà không quan tâm việc đầu tư phương tiện, con người cho công tác PCCC. Cụ thể như một số cơ sở lắp đặt, sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm nhưng không bảo trì nên quá trình hoạt động dễ phát sinh cháy, nổ. Các nhà xưởng, nhà kho trong KCN có diện tích rộng, khối tích lớn, chứa nhiều chất cháy nhưng không có giải pháp chống cháy lan phù hợp. Một số nhà kho chưa chú trọng khâu vệ sinh công nghiệp, còn tình trạng câu móc điện tùy tiện... Trong khi đó, việc chấp hành các quy định pháp luật về PCCC tại một số cơ sở còn mang tính hình thức, đối phó, chất lượng chưa cao.
Để ngăn chặn cháy nổ, theo Đại úy Trần Lê Minh Dũng, thời gian qua, Cảnh sát PCCC thành phố đã phối hợp với các đơn vị, DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực tập các phương án chữa cháy nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, công nhân viên, người lao động; đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý các KCN và Chế xuất kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC KCN. Theo đó, trong năm 2018, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 7 trường hợp vi phạm về PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố cũng đã yêu cầu các DN đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện, thiết bị, củng cố, xây dựng và phát huy lực lượng PCCC tại chỗ, tuyên truyền, phát động toàn thể công nhân tham gia công tác PCCC…
Đại tá Trần Đình Chung, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố cho rằng, trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để tránh “tiền mất, tật mang”, các DN cần đầu tư nhiều hơn cho công tác PCCC; trong đó chú trọng đầu tư trang thiết bị, con người và tuyên truyền, thực tập phương án.
Hai trong số các DN tại Đà Nẵng quan tâm thích đáng cho công tác PCCC có thể kể đến Công ty CP Vinatex quốc tế - chi nhánh Đà Nẵng và Công ty TNHH Mabuchi Motor. Ông Huỳnh Ngọc Thạch, đại diện Ban quản lý an toàn lao động và PCCC Công ty CP Vinatex quốc tế - chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Hiện đơn vị đã thành lập đội PCCC với 83 thành viên, được huấn luyện, trang bị đầy đủ kỹ năng phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, để chủ động PCCC, công ty trang bị 225 bình chữa cháy cùng với hệ thống báo cháy ở mỗi kho; chú trọng sắp xếp hàng hóa gọn gàng, thường xuyên bảo trì các thiết bị để hạn chế thấp nhất xảy ra hỏa hoạn”. Trong khi đó, chuyên xuất khẩu các loại motor điện tử cỡ nhỏ, dù không phải mặt hàng dễ cháy nhưng xác định mỗi khi xảy ra hỏa hoạn thì thiệt hại rất lớn không chỉ về tài sản mà tính mạng của công nhân nên lãnh đạo Công ty TNHH Mabuchi Motor luôn đề cao công tác PCCC. Trong thời gian qua, công ty trang bị hơn 450 bình chữa cháy xách tay, 8 quả cầu chữa cháy tự động và 1.000 đầu cảm biến báo cháy. Bên cạnh đó, công ty cũng đã thành lập đội PCCC cơ sở với 88 thành viên. Lực lượng này được Cảnh sát PCCC thành phố huấn luyện nghiệp vụ và cấp thẻ chứng nhận. Thực tế hiện nay, không phải đơn vị nào cũng có ý thức về công tác này. Chủ một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn quận Liên Chiểu cho biết, khi nào có đoàn kiểm tra công ty mới lo lắp các thiết bị phòng chống cháy nổ để đối phó.
THU THẢO