Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố đang triển khai cùng lúc nhiều kế hoạch bảo đảm ATTP trong quý 1-2019 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Tuy nhiên, theo BQL ATTP, việc thực hiện một số mục tiêu đặt ra hiện nay không dễ.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, trong năm 2019, UBND thành phố đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng thực hiện để nhiệm vụ chính trị bảo đảm bữa ăn an toàn cho người dân. Theo đó, 100% các cơ sở sản xuất rau, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ký cam kết thực hiện sản xuất rau an toàn, cam kết chăn nuôi an toàn và 90% các cơ sở kinh doanh nông sản, thủy sản tại các chợ đầu mối thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ; trên 100% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc diện bắt buộc cấp Giấy chứng nhận); 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (cơ sở thuộc diện cấp giấy)…
Đặc biệt, các ban, ngành liên quan cần hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm được UBND thành phố phê duyệt cũng như khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người trở lên được ghi nhận.
“Trong năm 2018, đơn vị đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chợ bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng cơ sở vật chất, hạ tầng của các chợ trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Nguy cơ ô nhiễm, mất ATTP từ chợ là rất lớn. Để khắc phục vấn đề này cần một quá trình thời gian dài, không chỉ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh mà còn phải đầu tư, nâng cấp các chợ, phân bổ lại khu vực kinh doanh cho hợp lý”, ông Hải cho biết.
Đà Nẵng được đánh giá là địa phương phát triển du lịch với nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức có quy mô, thu hút đông đảo du khách. Ngoài những mặt tích cực, thực trạng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tạo nhiều thách thức cho lực lượng chức năng.
Theo ông Võ Lê Hồng Phong, Đội trưởng Đội quản lý ATTP số 2, BQL ATTP thành phố, việc khống chế số người gây ngộ độc thực phẩm cấp tính hiện nay hoàn toàn bị động, mặc dù đây là một tiêu chí được thành phố đưa ra.
“Vừa qua chúng tôi đã tham mưu, xử lý cơ sở sản xuất bánh mì khiến 88 người ngộ độc thực phẩm. Trên thực tế nhiệm vụ này rất bị động, lực lượng chức năng không thể chủ động được do việc quản lý, giám sát, xử lý vi phạm ATTP hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn về nhân lực, cơ chế quản lý, trang thiết bị hỗ trợ”, ông Phong chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Phong, nhiệm vụ thường xuyên hiện nay vẫn là chủ động trong các kế hoạch triển khai nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố.
“Đà Nẵng chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, du lịch, nên đội đã chủ động lên kế hoạch thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hạn chế tối đa tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực này. Trong tháng 3 này, đội kiểm tra gần 70 siêu thị mini, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố về các vấn đề liên quan đến ATTP”, ông Phong cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, ngoài nhiệm vụ kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cung cấp thực phẩm, nhiều nhiệm vụ đang được triển khai trong thời điểm này; đó là: xây dựng cư sở dữ liệu về quản lý ATTP, lập báo cáo xây dựng chợ đầu mối nông sản Hòa Phước, cải thiện điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở giết mổ, tăng cường công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra liên ngành, lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm…
PHAN CHUNG