Mạnh tay xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

.

Thực hiện Tháng hành động cao điểm về An toàn thực phẩm (ATTP), Ban Quản lý (BQL) ATTP thành phố đã tổ chức hàng chục đoàn tiến hành thanh, kiểm tra ATTP các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ngoài việc góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vấn đề ATTP, đoàn cũng đã mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm.

Đội ATTP số 2, BQL ATTP thành phố vừa lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính khách sạn L. (đường Đinh Thị Hòa, quận Sơn Trà) số tiền 4 triệu đồng do vi phạm các quy định trong lĩnh vực này. Quá trình kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng phát hiện khu vực nhà bếp, nơi chế biến thực phẩm phục vụ du khách quá bẩn; côn trùng xuất hiện bên trong tủ bảo quản thực phẩm; bảo quản thực phẩm tươi sống lẫn lộn với thực phẩm chín làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Trước đó, nhà hàng S.F.K. (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà) cũng bị đơn vị này xử phạt 12 triệu đồng vì không thực hiện quy định pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không lưu mẫu thức ăn và khu vực thu gom chất thải rắn ô nhiễm...

Theo ông Võ Lê Hồng Phong, Đội trưởng Đội ATTP số 2, BQL ATTP thành phố, Đà Nẵng đang bước vào mùa du lịch, thu hút du khách thập phương. Việc kiểm tra, giám sát và mạnh tay xử lý các cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống phục vụ du khách là hết sức cần thiết. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở khắc phục lập tức những lỗi vi phạm trước khi hoạt động trở lại. Điểm đáng chú ý hiện nay, chính là khung hình phạt trong lĩnh vực ATTP đã tăng lên, được áp dụng theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ.

Theo BQL ATTP thành phố, tính đến thời điểm này, đơn vị đã tổ chức 68 đoàn thanh, kiểm tra 102 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống, phát hiện 16 cơ sở vi phạm và bị xử phạt hành chính số tiền hơn 116 triệu đồng. Số cơ sở vi phạm tập trung nhiều nhất ở loại hình dịch vụ ăn uống với các nội dung như không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm sống và chín làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo; cống rãnh khu vực chế biến thực phẩm không thông thoát, ứ đọng; thiếu dụng cụ bảo quản thực phẩm; không có giấy chứng nhận về ATTP...

“Những hành vi vi phạm này không mới. Nhưng điểm mới hiện nay là lực lượng chức năng quyết liệt hơn, mạnh tay hơn với những hành vi vi phạm dù là nhỏ nhất. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này cũng sẽ được tăng lên”, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, cho biết.

Cũng theo ông Hải, song song với việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo quản, chế biến thực phẩm, đơn vị cũng đang tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước uống. Hiện BQL ATTP đang phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Giáo dục các quận, huyện tiến hành giám sát, kiểm tra và lấy mẫu nước uống tại các trường học trên địa bàn thành phố với 3 chỉ tiêu vi sinh gồm E.coli, Streptococci feacal và Pseudomonas aeruginosa. Hiện nguồn nước uống qua hệ thống lọc trực tiếp tại một số trường học có nguy cơ nhiễm vi sinh, một phần do chất lượng hệ thống lọc không bảo đảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, giáo viên.

“Trong tháng tới, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn thành phố. Đây là một mặt hàng rất thiết thực, phổ biến và nguy cơ ô nhiễm rất cao. Qua rà soát bước đầu, các cơ sở sản xuất nước đá cần phải thay đổi một số thói quen trong sản xuất và chấp hành một số quy định mới như hệ thống bao bì phải sạch, có nhận diện, nguồn nước phải bảo đảm, hệ thống sản xuất đá phải được thay mới, bảo trì thường xuyên...”, ông Hải cho biết thêm.

PHAN CHUNG

 

;
;
.
.
.
.
.