Nhân rộng mô hình phụ nữ cùng phát triển kinh tế

.

Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hải Châu (gọi tắt là Hội) xác định việc hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, các cấp Hội không ngừng phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các mô hình, giúp nhiều phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Tại phường Thạch Thang, mô hình tổ may mặc hình thành và hoạt động hiệu quả từ nhiều năm nay. Những năm đầu tiên, chị Lê Thị Kim Huệ (SN 1966) - tổ trưởng, là người làm chính. Dần dần, đơn hàng nhiều, chị Huệ rủ thêm các chị em phụ nữ có nghề may tham gia. Hiện nay, tổ có 5 thành viên, làm việc thường xuyên với số lượng đơn hàng từ 10 - 15 bộ trang phục/ngày. Khi có đơn hàng của khách, chị Huệ phụ trách công đoạn cắt, sau đó phân bổ phụ nữ trong tổ để vắt sổ, ráp, may hoàn thiện. Để trang phục hoàn thiện với chất lượng tốt nhất, mỗi chị trong tổ chuyên may một loại trang phục như: quần, áo sơ-mi, váy, đồng phục... “Thời gian đầu, tổ chỉ có 3 người.

Khi được nhiều khách hàng biết đến, đơn hàng tăng lên, tôi rủ thêm các chị em có nghề may cùng tham gia. Để các chị em thạo việc, tôi vừa làm vừa kèm cặp, hướng dẫn thêm. Dần dà, các chị thạo việc và may tốt thì được nhận về may tại nhà”, chị Huệ nói. Với công việc may quần áo, phụ nữ có thể làm tại nhà, chủ động được thời gian chăm sóc gia đình, đưa đón các con đi học. Với mỗi chiếc áo, quần ráp hoàn thiện, các chị được trả công từ 50.000- 100.000 đồng/chiếc, tùy loại trang phục. Hằng tháng, phụ nữ trong tổ thu nhập ổn định từ 4 - 7 triệu đồng/người. Những đợt sắp vào năm học, đơn hàng nhiều, thu nhập của các chị cũng tăng theo.

Khoảng 7 năm nay, chị Dương Phước Khánh Dương (SN 1976, trú phường Thạch Thang) tham gia tổ may mặc. Từ một hộ nghèo, nhờ tham gia tổ may mặc và có công việc ổn định, chị Dương nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình khấm khá. Năm 2017, chị Dương được Mặt trận phường Thạch Thang hỗ trợ sinh kế 12 triệu đồng để mua thêm máy vắt sổ, máy may giúp công việc thuận tiện hơn. Trong cùng năm ấy, chị Dương thoát nghèo. “Ngoài may quần áo từ tổ may mặc phân bổ, tôi còn nhận sửa thêm quần, áo.

Nhờ đó, tôi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, phụ với chồng kinh tế trong nhà. Hiện nay, vợ chồng tôi đang sửa sang lại căn nhà cho kiên cố, lát lại nền gạch mới cho sạch sẽ. Chúng tôi có được cuộc sống như bây giờ cũng nhờ công việc từ Tổ may mặc mang lại”, chị Dương chia sẻ. Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Thạch Thang Lê Thị Diễm Hồng, Hội LHPN phường đang tiếp tục tìm kiếm và nhân rộng các mô hình thêu, làm hoa để mở rộng mạng lưới các mô hình phát triển kinh tế, giúp thêm nhiều chị em có việc làm ổn định.

Còn tại phường Nam Dương, tổ giúp việc nhà hiện có 15 thành viên, hầu hết là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tổ trưởng Nguyễn Thị Thanh Nhuận (SN 1963) xuất thân là một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm. Trong một lần nhận đi dọn dẹp cho một gia đình, chị Nhuận nhận thấy ngày càng có nhiều gia đình có nhu cầu thuê người dọn dẹp. Từ đó, chị Nhuận thành lập tổ và kêu gọi những chị em có hoàn cảnh khó khăn cùng tham gia. Để thuận tiện cho các chị em, khi có khách hàng gọi, chị Nhuận đứng ra nhận việc rồi sắp xếp, phân lại cho các chị em trong tổ. Nhờ vậy, 15 thành viên đều có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Phạm Thị Xuân Liên là một trong những người gắn bó với tổ giúp việc nhà nhiều năm nay. Chị Liên đang nhận giúp việc nhà cho 1 gia đình từ 8 giờ sáng đến 13 giờ hằng ngày với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ngoài thời gian trên, nếu gia đình nào có nhu cầu dọn dẹp nhà, chị Liên nhận làm thêm để nâng cao thu nhập. Nhờ công việc ổn định từ tổ giúp việc nhà mang lại, chị Liên nuôi các con ăn học, kinh tế gia đình dần đi lên. Theo chị Dương Thị Kiều Trinh, Chủ tịch Hội LHPN phường Nam Dương, cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu thuê người dọn dẹp, giúp việc nhà từ đó cũng tăng lên. Nhờ vậy, các chị em trong tổ giúp việc nhà có công việc thường xuyên, với mức thu nhập ổn định.

Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu Hồ Thị Huệ cho biết, hiện nay, tại các cấp Hội duy trì hoạt động của 13 tổ giúp việc gia đình, tạo điều kiện cho 145 phụ nữ có việc làm ổn định như dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già, nuôi sản phụ; 17 mô hình phát triển kinh tế gia đình với nhiều hình thức như: tổ dịch vụ nấu ăn, tổ may mặc, tổ gia công giày, tổ cắt xén xếp giấy... giúp 76 thành viên có công ăn việc làm ổn định. Từ các mô hình này đã giúp chị em phụ nữ có thu nhập hằng tháng ổn định từ 3-6 triệu đồng. “Các mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã giúp nhiều phụ nữ, nhất là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định. Nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, hoạt động của các mô hình giúp tạo sự đoàn kết, gắn bó trong khu dân cư, giữa các hội viên, khơi dậy được tiềm năng lao động của hội viên phụ nữ”, bà Huệ nói.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.