Theo Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố, cùng với hiến máu tình nguyện, hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp cần được tuyên truyền, nhân rộng trong thời gian đến.
Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Lê Thị Như Hồng cho biết, theo pháp luật hiện hành, người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, đều có quyền hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết, chết não. Pháp luật không bắt buộc phải có sự đồng ý của gia đình trong đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng, tuy nhiên, khuyến khích có sự đồng ý của gia đình, vì nếu đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế và nhiều trở ngại khác.
Hội Chữ thập đỏ thành phố trao thẻ chứng nhận và tặng quà những người đăng ký hiến tặng mô, tạng năm 2020. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não là nghĩa cử cao đẹp, vừa mang lại sự sống cho những người khác, vừa giúp cho xã hội nhân văn, tốt đẹp hơn. Đến nay, tại Đà Nẵng đã có gần 200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đặc biệt, cả hai vợ chồng anh Phạm Quốc Anh (lái xe) và chị Hồ Thị Thanh Nhàn (giáo viên), ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) đều tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. “Tôi nghĩ rằng, nếu mình không may qua đời, mà có những bộ phận cơ thể của mình còn sống trên cơ thể người khác, giúp người khác có được sự sống tốt hơn, đó là điều quá tuyệt vời, do vậy, mình và vợ mình cùng tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não”, anh Phạm Quốc Anh chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thanh Huyền (24 tuổi, thường trú tại phường An Khê, quận Thanh Khê) cán bộ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vừa đăng ký hiến tặng mô, tạng, bộc bạch: “Theo tôi, hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết, chết não giúp cho những người khác nối dài sự sống là một điều kỳ diệu mà trên đất nước ta hiện đã có những tấm gương sáng về nghĩa cử cao đẹp này như: thiếu tá quân đội Lê Hải Ninh ở tỉnh Ninh Bình, hay như em Lê Hải An ở Hà Nội…
Hiện nay, cả nước mới có 3 bệnh viện đảm nhiệm phẫu thuật và bảo quản bộ phận cơ thể người với sự chỉ đạo của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, gồm: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế. Đặc biệt, các bộ phận cơ thể người hiến tặng chỉ có tác dụng nối dài sự sống cho những người khác khi được tiếp nhận, bảo quản trong vòng không quá 6 giờ sau khi chết, chết não.
Chị Nguyễn Hoàng Anh, cán bộ Hội CTĐ thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Khi biết cha tôi không thể qua khỏi, tôi đã vận động các anh chị trong gia đình đồng thuận hiến tặng giác mạc của cha. Nỗi buồn mất người thân không gì có thể khỏa lấp, song, tôi nghĩ cha tôi ở dưới suối vàng chắc cũng thấy vui khi biết một phần cơ thể của mình có thể đem lại ánh sáng cho người khác thay vì nằm dưới đất lạnh”, chị Hoàng Anh nói.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, ghép mô, tạng là một thành tựu quan trọng của ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo, mãn tính do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được như suy thận, suy gan, suy tim, suy tủy, hỏng giác mạc. Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi còn sống, còn các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến tặng đã chết, chết não. Địa chỉ đăng ký hiến tặng mô, tạng ở Đà Nẵng là Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng 522 Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng; điện thoại: 0236.3868.334 - 0901.191.430 (có thể đăng ký trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện). Thủ tục đăng ký gồm: 1 đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng, 1 bản photo CMND (hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu) và 1 ảnh thẻ. |
LÊ VĂN THƠM