Vì một thành phố bình yên trong Covid-19

.

Truyền thông đại chúng đưa tin, ngay sau khi quy định nới lỏng giãn cách xã hội vì Covid-19 có hiệu lực, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an và chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp với công an các đơn vị, địa phương đã ra quân tuần tra, chốt chặn, phòng và chống tình trạng sử dụng mô-tô phân khối lớn để lạng lách đánh võng trên đường phố.

Đây là nhiệm vụ vừa có tính chất đột xuất, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kiên trì, kiên quyết của lực lượng CSGT nhằm giữ vững an toàn cuộc sống, tạo vẻ đẹp của bộ mặt văn minh trên địa bàn thành phố vốn đang nỗ lực xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.

Vấn đề đáng nói ở đây là ngay trong buổi đầu ra quân tại 2 chốt chính triển khai tại khu vực quảng trường trước Đài Tưởng niệm thành phố, kết hợp tuần tra lưu động, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT chỉ trong 6 giờ đồng hồ (từ 21 giờ ngày 25-4 đến 3 giờ ngày 26-4) đã phát hiện, xử lý 16 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 15 mô-tô, 1 ô-tô; trong đó 6 trường hợp người điều khiển vi phạm nồng độ cồn (1 ô-tô, 5 mô tô); 4 trường hợp lạng lách đánh võng, còn lại vi phạm hành vi không chấp hành hiệu lệnh và giảm thanh, không mang giấy tờ.

Đó là chưa kể đến tình trạng trước đó, ngay trong thời gian cách ly phòng, chống Covid-19, lực lượng CSGT còn phối hợp với công an các đơn vị, địa phương xử lý nhiều nhóm đối tượng khác có hành vi tương tự, thu giữ gần 30 phương tiện. 

Như vậy, cùng với virus Corona, thứ “virus vi phạm an toàn giao thông”, nói khác đi là tâm lý chơi ngông, thích đua đòi, a dua, muốn mình là “anh hùng đường phố”, muốn tỏ ra mình là người “nguy hiểm” vẫn đang tồn tại dai dẳng trong một bộ phận thanh, thiếu niên thành phố chúng ta. Mặc dù chúng ta đã cố gắng tìm mọi cách để tuyên truyền vận động, giải thích trên các phương tiện truyền thông, trên pano, áp-phích, kể cả tuyên truyền miệng hằng tháng, hằng quý  tận tổ dân phố, thậm chí từng gia đình.

Thế mới biết, giáo dục ý thức văn minh công cộng không phải là câu chuyện một sớm một chiều, không phải vì tập trung cho một cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, không phải vì đang trong một đại dịch gây bao tai họa mà người ta có thể giảm đi những hành vi ngông cuồng trên đường phố.

Người đứng đầu Chính phủ phát biểu trong một cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 khi có quy định nới lỏng giãn cách xã hội đã nhắc nhở không nên vì quy định nới lỏng mà tổ chức “ăn mừng”. Phải chăng ông đã tiên lượng trước về kiểu “ăn mừng” theo lối tổ chức đua xe, lạng lách để “xả hơi” sau những ngày bị cách ly!

Rõ ràng là chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn, với những chế tài phù hợp hơn để ngăn chặn hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường phố, không chỉ với lần này mà cho nhiều tình huống khác về sau.

Lâu nay chúng ta thường phân vân trước câu hỏi, nếu mức phạt nặng quá, sợ những người vi phạm thuộc bộ phận những người nghèo không có khả năng chi trả? Đúng là một vấn đề phải suy nghĩ. Xã hội chúng ta là một xã hội nhân văn, đầy tính khoan dung.

Nhưng một thực tế khác, hành vi vi phạm của một người, nhưng hậu quả của nó lại liên quan đến nhiều người trong cùng một lúc, cùng một vụ việc, từ sinh mạng cho đến những chấn thương tâm lý, từ nỗi đau trước mắt đến tổn thương lâu dài. Vả lại, chúng ta đã kiên trì tuyên truyền, giáo dục bao năm nay, và cũng đã có nhiều biện pháp thuyết phục răn đe có tính trực quan.

Một số chuyên gia pháp luật, chuyên gia xã hội học đã đưa ra một giải pháp rất đơn giản: nếu một người vi phạm mà không có tiền nộp phạt, thì thay vào đó, tùy theo mức độ nặng nhẹ, sẽ bị bắt buộc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, thời hạn có thể 15 ngày, 1 tháng, hoặc hơn nữa.

Chỉ cần như thế, chỉ riêng tâm lý sĩ diện trước cộng đồng cộng với chấp hành quy định lao động bắt buộc cũng đã có tác dụng ngăn ngừa các hành vi vi phạm tiếp theo của đối tượng; có khi là bài học “nhớ đời”. Vẫn biết chúng ta đã có quy định, nhưng việc thực hiện cụ thể thì vẫn còn nể nang, thiếu cương quyết, nên những vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra.

Covid-19 sớm muộn rồi sẽ qua. Cùng với công cuộc khôi phục phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, thành phố sẽ trở lại với nhịp sống vốn có. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu các chương trình “Thành phố 4 an”, “Thành phố 3 có”, trong đó có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Một thành phố văn minh, một cộng đồng dân cư văn hóa không thể chấp nhận có một thiểu số những người thiếu ý thức văn hóa đến mức bất chấp mọi luật lệ, trong đó hầu hết những người ở độ tuổi trẻ.

Đà Nẵng là một thành phố du lịch, một thành phố rất có ý thức về xây dựng hình ảnh một đô thị văn minh. Đã là thành phố văn minh thì không thể để diễn ra những hành vi xấu xa, phản văn hóa hiện hữu trước mắt du khách hằng ngày trên đường phố như thói quen vượt đèn đỏ và phóng nhanh vượt ẩu, rồ ga, lạng lách.

Thêm nữa, vì một thành phố an lành, mọi cư dân đều muốn trả lại một không gian thanh bình, một đường phố trật tự, nề nếp chứ không phải một kiểu thể hiện bằng cách phóng xe bạt mạng, lạng lách vô lối.

Thiết nghĩ, sau những hành động quyết liệt của Đảng, Chính phủ qua các biện pháp phòng, chống Covid-19, cộng với cách tổ chức thực hiện quyết liệt của lãnh đạo thành phố, chúng ta sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, phát huy thành quả, tận diệt những thứ “virus” xấu độc còn tồn tại để mỗi công dân được tận hưởng một không gian bình yên khi không còn đại dịch. 

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.