Multimedia

Thăm thẳm hành trình tìm lại tên cho Anh

10:28, 26/07/2018 (GMT+7)

 

Trải qua những cuộc chiến tranh trường kỳ, ác liệt, chốn hậu phương trên mảnh đất Việt Nam vẫn mòn mỏi ngóng chờ những người cha, người anh, người con trở về. Có người quay về lành lặn, có người gửi một phần cơ thể nơi tiền tuyến, có người vĩnh viễn nằm xuống dưới mưa bom, lửa đạn. Có những tấm giấy báo tử gửi về, nhưng thân thể các liệt sĩ vẫn chưa thể đoàn viên với người thân ở quê nhà.

Năm 1964, ông Nguyễn Vinh Truyền (SN 1939, quê phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) hăng hái tham gia du kích địa phương. Đến năm 1966, ông tạm biệt vợ con, lên đường gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Kể từ thời điểm ấy, mọi liên lạc của ông với vợ con chỉ là những lá thư đi về, những dòng chữ nguệch ngoạc viết vội trên đường hành quân.

Lúc ấy, bà Huỳnh Thị Tá (SN 1943) - vợ ông, không biết rằng ngày ông ra trận cũng là lần cuối cùng bà được thấy chồng bằng xương bằng thịt. Cũng trong năm 1966, giấy báo tử gửi về, báo rằng ông đã ngã xuống tại chiến trường Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

 

Bom đạn ác liệt, các con còn nhỏ, bà Tá nén nỗi đau mất chồng, chờ ngày hòa bình để đưa ông về an táng nơi đất mẹ. Đến năm 1978, ông được công nhận liệt sĩ. Hòa bình lập lại, bà cùng các con lặn lội đi tìm hài cốt của chồng. Lần theo thông tin từ những người đồng đội cũ của ông, bà nghe rằng ông được chôn cất bên một con suối ở vùng núi phía bắc Hòa Vang.

“Tôi đã tìm anh Truyền rất nhiều lần. Trèo rừng, lội suối, về chiến trường cũ nơi anh đóng quân nhưng mọi thông tin về anh gần như biệt tăm. Tôi nghe anh nằm đâu đó gần một con suối, lại khăn gói theo tìm, rồi nhận ra khu vực ấy đã xói lở, có khi hài cốt anh đã bị cuốn trôi đi nơi nào…”, bà Tá kể lại trong khóe mắt rưng rưng.

Đến nay, bà Tá không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần đi tìm hài cốt chồng, có những khi bà lội ngày, nằm đêm ở núi rừng để chờ đợi trong hy vọng. Chỉ cần nghe tin tìm được hài cốt liệt sĩ, bà lại tất tả chạy đến. Đã nhiều lần gia đình bà được tin vui về mộ chồng, giục nhau đến “đón” ông về, để rồi hụt hẫng nhận ra, hài cốt người nằm dưới kia không phải người chồng, người cha như họ hằng mong đợi mà chỉ là sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Sau những lần như vậy, bà lại buồn bã ra về, những mùa ngóng đợi lại dài thêm theo tháng năm, chất chồng thêm những con tuổi. Mái tóc đen tuyền của cô gái Huỳnh Thị Tá năm xưa nay đã bạc màu sương gió, vết chân chim đã in hằn trên làn da đồi mồi, con cái đã dựng vợ gả chồng mà ông Truyền vẫn chưa thể “về”. Để rồi, sau gần nửa thế kỷ ngóng đợi mỏi mòn, gia đình đành ngậm ngùi đắp cho ông một ngôi mộ gió ở Nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Quý.

Bà Tá vẫn còn giữ bức ảnh chụp chung với chồng vào những năm tháng đôi mươi. Trải qua thời gian, bức ảnh đã cũ sờn, bạc màu theo những chờ đợi dai dẳng. Nhìn vào nơi xa xăm vô định, nhìn bức ảnh cũ, bà tự hỏi ông đang nằm đâu đó, ở một khoảng đất giữa núi rừng Hòa Vang; hay ở một nghĩa trang liệt sĩ nào đó trong thành phố này...

Bà nói trong nỗi buồn: “Cả nhà đã không còn hy vọng để đưa anh về. Tôi ước nguyện, mong ở đâu đó có người tìm được hài cốt ảnh, chôn cất, hương khói cho ảnh được đàng hoàng. Tuổi tôi cũng đã cao rồi. Ngóng đợi mãi cũng đành buông xuôi”.

Bên cạnh những gia đình chưa tìm được mộ người thân như bà Tá, vẫn có những gia đình đã xác định được nơi chôn cất người thân nhưng chưa thể đưa hài cốt về nhà.

Gặp chúng tôi vào một buổi trưa tháng 7, ông Nguyễn Cự (SN 1938, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) ngồi trầm ngâm bên tập hồ sơ liệt sĩ của người em trai Nguyễn Văn Tâm (SN 1948, được xác nhận hy sinh tại nhà tù Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang năm 1969).

Trong dòng ký ức của tuổi già, ông Cự kể lại những ngày em trai mình tham gia lực lượng Biệt động thành Đà Nẵng rồi bị địch bắt và đày ra nhà tù Phú Quốc. Đến năm 1976, sau khi đất nước được giải phóng, gia đình mới nhận được giấy báo tử, báo tin liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm đã hy sinh tại nhà tù Phú Quốc.

Lần theo những thông tin hiếm hoi về người em ruột, ông Cự cùng các con trai là anh Nguyễn Hòa và anh Nguyễn Sỹ lặn lội vào Nam tìm mộ. Cha con ông rong ruổi trên những vòng xe đi về Đà Nẵng – Kiên Giang, những chuyến đi vô định chở theo hy vọng rồi mang về nỗi thất vọng, mọi thông tin gia đình có được chỉ là cái tên Nguyễn Văn Tâm và tờ giấy báo tử từ hơn 40 năm trước. 

Cho đến năm 2016, anh Hòa tìm được thông tin về các liệt sĩ gốc Quảng Nam – Đà Nẵng hy sinh tại nhà tù Phú Quốc. Trong đó, có một liệt sĩ có tên gọi “Nguyễn Văn Bo”, kèm theo ảnh và thông tin ngày sinh, quê quán. Đối chiếu với thông tin đã có, anh Hòa khẳng định đây chính là người chú Nguyễn Văn Tâm mà anh và gia đình đã tìm kiếm bấy lâu. Từ thông tin trên, anh tìm được đến phần mộ liệt sĩ tên “Nguyễn Văn Bo” tại nghĩa trang huyện đảo Phú Quốc.

“Những người quật mộ ở Phú Quốc cho biết, bên trong hài cốt khi được tìm thấy có mảnh vải thêu vội cái tên Nguyễn Văn Bo và mã số tù tại nhà tù Phú Quốc. Họ theo đó mà ghi thông tin lên bia mộ. Có lẽ chú tôi trong thời gian hoạt động đã sử dụng tên này thay cho tên khai sinh, chính vì thế mà đã nhiều năm trời gia đình không thể tìm được hài cốt của ông một cách chính xác”, anh Hòa kể lại.

 

Tuy nhiên, anh Hòa và gia đình chưa thể mang hài cốt về an táng tại Đà Nẵng, bởi hài cốt liệt sĩ phải trải qua quá trình xét nghiệm ADN để xác minh chính xác danh tính của người nằm trong mộ.

Đến nay, gia đình anh Hòa đã 2 lần làm đơn gửi Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang xin được lấy mẫu sinh phẩm để xét nghiệm ADN.

Việc xét nghiệm sinh phẩm từ hài cốt đòi hỏi thời gian khá dài, từ 6 tháng đến 1 năm. Anh Hòa và gia đình thấp thỏm chờ đợi kết quả cuối cùng từ Viện Pháp y quốc gia. Người trong gia đình bảo nhau, rồi chú Tâm cũng sẽ về, sẽ nằm yên nghỉ bên mộ phần của họ hàng ở đất mẹ.

Nhưng rồi, 2 lần xét nghiệm là 2 lần gia đình nhận về cùng một thông báo: “Mẫu hài cốt lấy tại mộ phần đã bị phân hủy, không đủ cơ sở dữ liệu để so sánh với ADN của mẫu thân nhân liệt sĩ”. Những đôi mắt đã mỏi mòn vì chờ đợi lại thêm một lần nhắm lại, những vòng xe từ Trung vào Nam vì thế lại càng thêm mệt nhoài.

“Tháng 7 này, tôi sẽ một lần nữa vào Phú Quốc để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 3. Hy vọng rằng, cha tôi, anh tôi và những người trong gia đình sẽ được đón chú trở về trong một ngày gần nhất”, anh Hòa chia sẻ.

“Tuổi tôi đã cao, không còn đủ sức để đi tìm mộ em trai như ngày trước. Chỉ mong em trai tôi sớm được đoàn tụ, về với ông bà tổ tiên để gia đình an lòng. Nửa thế kỷ qua rồi, nhìn người thân của mình nằm mãi trên quê người, lòng làm sao yên”, ông Cự thở dài, nhìn về phía xa xa.

 

Chúng tôi có dịp đọc được những dòng thơ này trên bia đá Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào ở Anh Sơn, Nghệ An. Đó là những câu thơ trong bài “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” của nhà thơ, nhà báo Văn Hiền sáng tác năm 1993. Bài thơ đã khiến hàng triệu trái tim người Việt xúc động và có sức lan tỏa sâu rộng cho đến ngày hôm nay.

Từ bài thơ này, Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thay đổi cách gọi từ “liệt sĩ vô danh” thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Thay đổi này thể hiện sự ghi công của Tổ quốc dành cho các Anh. Các Anh vẫn có tên, có tuổi, có quê quán, có gia đình, các anh không phải là “liệt sĩ vô danh”.

Những ngày tháng 7-2018, chúng tôi đến dâng hương tại một số nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong khói hương nghi ngút, những tấm bia được khắc dòng chữ “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” xếp thành hàng, nằm im lìm trên một khoảng đất. Trước mỗi ngôi mộ là một nhành hoa sen, trên mộ là một ngôi sao 5 cánh mang hình ảnh Tổ quốc.

Chiến tranh tàn khốc để lại hai mảnh vỡ nhói lòng, một bên là những ngôi mộ chưa xác định được thông tin, một bên là những gia đình đau đáu tìm người thân suốt nửa thế kỷ. Người ra chiến trường đã nằm lại đâu đó nơi trận địa, hay đã được quy tập về một nghĩa trang nào đó, chỉ có hậu phương vẫn mãi chờ kể cả khi có giấy báo tử trên tay.

 

Đều đặn vào mỗi buổi sáng, người quản trang Phạm Viết Tình (sinh năm 1954, trú thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) lại chạy xe đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến để chăm sóc cho những mộ phần ở nơi này. Chính tại đây, ông ngậm ngùi thắp nén hương cho người cha và người anh ruột ngã xuống vì bom đạn.

“Mộ cha tôi và anh tôi ở đó, ngoài kia…”, ông hướng mắt về một góc xa xa nơi nghĩa trang, giọng chuyển buồn. Chúng tôi cảm tưởng như ông đang trôi theo ký ức của những năm tháng dữ dội. Năm 1969, cha ông - liệt sĩ Phạm Văn Đãi ra đi sau một đợt ném bom của Mỹ tại vùng núi Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nén nỗi đau trong lòng, ông ôm một nắm đất nhỏ tại nơi cha mình ngã xuống về chôn ở nghĩa trang quê nhà. Hơn nửa thế kỷ đi qua, mỗi lần nhắc về cha là thêm một lần ông chạnh lòng.

Trung tuần tháng 7 có những cơn mưa bất chợt, tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng và một số nghĩa trang liệt sĩ lân cận như Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương... vẫn lác đác vài người đi viếng mộ. Họ trân trọng thắp nén nhang trên những ngôi mộ có tên và những ngôi mộ chưa xác định được thông tin, nói với nhau những câu nửa buồn nửa vui: “Mấy Anh nằm đây chắc nhớ nhà lắm?”, “Không biết ảnh được chôn ở đâu trong nghĩa trang này?” rồi lặng lẽ rời đi trong cơn mưa chiều nặng hạt.

Trong số họ, có người đang đi tìm mộ ở khắp các nghĩa trang trong hy vọng, dù là nhỏ nhoi. Họ hy vọng đâu đó, trong những nấm mộ kia có hài cốt người thân mà mình đang tìm.

 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, hiện toàn thành phố có 20 nghĩa trang liệt sĩ, với 9.373 mộ liệt sĩ, trong số đó, 3 nghĩa trang liệt sĩ của các xã Hòa Phước, Hòa Sơn và Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang đang trong quá trình nâng cấp, chỉnh trang nên chưa thể thu thập dữ liệu toàn diện về các mộ liệt sĩ.

Những ngôi mộ chưa xác định được thông tin vẫn nằm đó, các Anh vẫn nằm đó, chờ một ngày đoàn tụ, chờ một ngày được “trả lại tên”.

Bắt đầu từ tháng 4-2018, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện Đề án “Cổng thông tin điện tử quản lý thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước”. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp khảo sát, ghi hình ảnh, thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước để làm cơ sở dữ liệu cho cổng thông tin điện tử.

Tại Đà Nẵng, theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, Bưu điện thành phố được giao nhiệm vụ trực tiếp khảo sát, ghi hình ảnh, thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt trong toàn thành phố ngay từ đầu tháng 4-2018.

 

Bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện thành phố cho biết: “Bưu điện thành phố đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng phương án và khảo sát thực tế tại 20 nghĩa trang liệt sĩ trong thành phố. Bước đầu đã đối khớp giữa thông tin lưu trữ và thông tin thực tế tại 20 nghĩa trang, chụp hình thử nghiệm với phần mềm xử lý hình ảnh đặc thù đã thành công”.

Theo đó, mỗi mộ liệt sĩ được chụp 3 ảnh gồm: ảnh bia, ảnh mộ, ảnh mộ trong toàn cảnh với các mộ bên cạnh, ghi rõ vị trí mộ trong nghĩa trang. Mỗi nghĩa trang liệt sĩ cũng thực hiện chụp ảnh cổng vào, ảnh kỳ đài, ảnh nhà bia tưởng niệm.

 

Các thông tin và hình ảnh được thu thập sẽ được kiểm tra, so sánh với nguồn dữ liệu về các liệt sĩ mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thu thập suốt nhiều năm qua. Trong trường hợp các dữ liệu này trùng khớp, hồ sơ điện tử cho mỗi ngôi mộ sẽ được hoàn chỉnh với đầy đủ thông tin về liệt sĩ, vị trí mộ, địa chỉ nghĩa trang. Hồ sơ này sẽ được tải lên Cổng thông tin tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ, dự kiến chính thức ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2018).

Sau ngày 27-7, đề án tiếp tục được bổ sung, cập nhật dữ liệu về liệt sĩ, người thân liệt sĩ và công tác quản lý mộ liệt sĩ để thân nhân liệt sĩ nắm được, qua đó có cơ hội tìm mộ người thân đã thất lạc trong chiến tranh.

Cổng thông tin điện tử được hoạt động sẽ là kênh thông tin quan trọng để tra cứu, cập nhật và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ trong phạm vi cả nước, góp phần tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước - nhớ nguồn” của dân tộc, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

"Hy vọng, từ đề án này, những ngôi mộ liệt sĩ sẽ được cập nhật thông tin đầy đủ, các liệt sĩ sẽ được khôi phục tên, quê quán đầy đủ, có cơ hội được trở về với người thân của mình dù cho các anh không còn nữa”, bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện thành phố chia sẻ.


 

.